Người dân Hàm Yên chủ động phòng, chống DTLCP

Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), các hộ dân trên địa bàn huyện Hàm Yên đã chủ động vào cuộc cùng cán bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống dịch theo đúng quy định.

 


Ông Chu Văn Quân, thôn Cây Vải, xã Thái Hòa phun thuốc khử trùng, phòng dịch tả lợn châu Phi.  

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, ngày 25-5, Đức Ninh là xã đầu tiên trên địa bàn huyện xuất hiện DTLCP. Tính đến hết ngày 6-6, DTLCP đã lây lan đến 6 xã: Hùng Đức, Thái Sơn, Thái Hòa, Tân Thành, Phù Lưu, Yên Thuận. Số lượng lợn bị dịch phải tiêu hủy là 267 con, trên 12 tấn. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý ổ dịch trên địa bàn, hạn chế dịch bệnh lây lan sang các thôn khác; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; phát huy trách nhiệm của các hộ dân trong việc phòng dịch...

Ông Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh cho biết, xã đã vào cuộc kiểm tra và thực hiện tiêu hủy lợn nhằm hạn chế tối đa tình trạng lây lan DTLCP. Hiện, trên địa bàn xã có 5 hộ chăn nuôi lợn bị nhiễm dịch, số lợn đã tiêu hủy là 61 con, tương đương gần 2,7 tấn. Đàn lợn trong xã hiện có hơn 3.000 con. UBND xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi lợn thực hiện vệ sinh chuồng nuôi, rắc vôi, phun thuốc khử trùng, không tiêu thụ lợn đã bị nhiễm bệnh... 

Các hộ dân trên địa bàn xã Đức Ninh đã nêu cao ý thức phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Hòa, thôn Làng Đồng thường xuyên nhắc nhở người thân trong gia đình vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn, không sử dụng lại thức ăn thừa cho lợn. Ông đã mua vôi bột để rắc xung quang khu vực chuồng nuôi và giữ gìn vệ sinh chuồng trại khô ráo. Hiện đàn lợn của gia đình ông vẫn khỏe mạnh.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết ngày 13-6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 244 hộ gia đình thuộc 128 thôn ở 45 xã, phường, tăng thêm 2 xã, phường so với ngày 11-6. Tổng số lợn tiêu hủy là 3.300 con, tương đương 182 tấn. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung ứng 1.134 lít thuốc khử trùng; 34,4 tấn vôi bột và hỗ trợ thành lập 38 chốt kiểm dịch, 1 tổ cơ động để ngăn chặn, kiểm soát, khoanh vùng, ngăn chặn dịch lan rộng. 

 

Tại xã Thái Hòa, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của các cấp chính quyền, địa phương, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã đã tăng cường phòng chống DTLCP. Ông Chu Văn Quân, thôn Cây Vải đã chủ động vệ sinh chuồng chăn nuôi, rắc vôi bột khu vực xung quanh chuồng và phun thuốc khử trùng cho đàn lợn. Nhờ chủ động phun thuốc khử trùng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, nên đến thời điểm này đàn lợn của gia đình ông vẫn khỏe mạnh. Còn gia đình bà Đoàn Thị Nghiêm, thôn Quang Thái 1 không tận dụng các loại thức ăn thừa gom từ các hộ gia đình để cho lợn ăn nữa. Ngoài việc rắc vôi, phun thuốc khử trùng, gia đình bà chú trọng vệ sinh máng ăn, nước uống cho lợn. Đồng thời sử dụng các loại rau, cám ngô, gạo để nấu cho lợn ăn.

Ông Vũ Xuân Đối, thôn 2 Minh Quang, xã Minh Hương cho biết: Gia đình ông hiện đang chăn nuôi lợn đen có sức đề kháng cao hơn lợn thông thường. Tuy nhiên, khi các xã lân cận đã phát hiện DTLCP, ông thực hiện các biện pháp phòng, chống như không cho người lạ, hay những người đi từ vùng dịch thăm khu vực chăn nuôi lợn của gia đình; cho lợn ăn thức ăn chín để đàn lợn tăng sức đề kháng...

Sự chủ động vào cuộc phòng, chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi lợn là yếu tố quan trọng để hạn chế sự lây DTLCP, bảo đảm hạn chế thiệt hại cho người nông dân. Tới đây, huyện Hàm Yên triển khai cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị nhiễm DTLCP theo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh nhằm giúp các hộ chăn nuôi vươn lên, ổn định cuộc sống.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục