Trồng cam sạch, thu tiền tỷ

Bắt đầu vào đông, khắp các triền đồi, rẻo cao của Hàm Yên, những trái cam đã dần “thắp lửa”. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền, người trồng cam nơi này đã dần chuyển từ số lượng sang chất lượng. khi những vùng sản xuất cam sạch hình thành, trái ngọt đến đâu thương lái đến tận vườn thu mua đến đó. Năm nay, cam Hàm Yên không phải được mùa lớn, nhưng cũng không mất mùa, lại được giá. Đó là sự đền bù xứng đáng cho những vất vả, cực nhọc của người trồng sau nhiều năm chăm bón.

 

Thu trái ngọt

Lão nông Bùi Đăng Điền, thôn 5 Minh Phú, xã Yên Phú vừa dẫn khách đi thăm đồi cam, vừa tự hào khoe “quả ngọt” sau 3 năm chuyển từ chăm sóc theo kiểu thông thường sang mô hình VietGAP. Ông cười bảo, trồng cam sạch, chăm cam sạch và bán cam sạch có nhiều cái được: Cái được lớn nhất là sức khỏe, rồi đến giá trị và “tiếng tăm” làm nghề. Cái “tiếng tăm” này, ông bảo, chính là không quảng bá, không rầm rộ, nhưng hầu như năm nào vườn đồi nhà ông cũng đón vài chục lượt khách trong và ngoài tỉnh đến học hỏi cách làm, cách duy trì và nhân rộng mô hình. 

Ông Điền có cơ ngơi hơn 10 ha cam, chủ yếu là cam Vinh, cam canh và cam sành. 7 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP, số còn lại ông vừa tiếp tục mở rộng sang trồng một số giống cam mới rải vụ. Toàn bộ khu vườn được ông đầu tư hệ thống tưới tự động. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng phân bón hữu cơ, vi sinh và các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại. Đặc biệt, ông loại trừ hoàn toàn thuốc diệt cỏ ra khỏi danh mục thuốc bón cho cam. Ông bảo, mặc dù việc thuê người cắt máy chi phí cao hơn, 12 triệu đồng cho 1 lần cắt, mỗi lần cắt chỉ cách nhau chỉ chưa đầy 2 tháng, nhưng “cái nọ bù cái kia” - ông Điền bảo.

Niềm vui của chị Nguyễn Thị Hường, thôn Đồng Lệnh, xã Tân Thành khi cam được giá.

Trước đây 1 tháng phải phun các loại thuốc hóa học, sử dụng các thuốc diệt cỏ, đất đai cằn cọc, nghèo kiệt đi, nay không làm như vậy nữa, các vi sinh vật có lợi trong đất tăng lên, làm giàu dinh dưỡng trong đất. Vườn cam nhà ông mùa này lúc lỉu quả. Ông bảo, dù không được mùa như năm 2018, khoảng 90 tấn, nhưng lại được giá hơn. Giá cam vinh cắt tại vườn giờ được thương lái mua từ 8 -10 nghìn đồng/kg, cam sành 25 nghìn đồng/kg. Ông bảo, tính sơ sơ, năm nay nhà mình thu chừng 800 triệu đồng. 

Lão nông Lê Quý Đáng, Tổ trưởng tổ trồng cam VietGAP ở Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên bắt đầu theo mô hình cam sạch từ năm 2016, với diện tích hơn 1 ha. Ông Đáng nhớ lại, ngày trước người nông dân thường quan niệm muốn trừ tận gốc sâu bệnh phải dùng nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, muốn cây tốt phải bón phân vô cơ… Nhưng sau khi được cán bộ tập huấn cách trồng, chăm sóc cam an toàn theo quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký nông hộ, bà con đã dần thích nghi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau 1 tháng vận động, tổ cam VietGAP Đồng Bàng gồm 11 người đã được thành lập với diện tích 18,5 ha.

Cam VietGAP hiện có diện tích tương đối lớn tại Hàm Yên, hơn 730 ha. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đàm Ngọc Hưng cho biết, năm nay sản lượng cam Hàm Yên ước đạt trên 80 nghìn tấn. Giá thu mua của tiểu thương tại các vườn hiện đạt trên dưới 7 nghìn đồng/kg, trong khi cam VietGAP được bán với giá 10 nghìn đồng/kg. Ông Hưng cho biết, trồng và chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng hầu như mọi công đoạn, quy trình đều cơ bản áp dụng theo hướng hữu cơ. Đây được coi là tiền đề, là bước chuyển để hướng dần các mô hình này sang sản xuất hữu cơ trong tương lai gần, xu thế này đang dần được cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất hướng đến. 

Làm để dân tin

Vườn cam chuyển đổi hữu cơ của anh Tô Văn Quảng, thôn Đồng Lệnh, xã Tân Thành tương đối biệt lập. Xung quanh vườn được cách ly bằng hệ thống hàng rào cây xanh, để tránh ảnh hưởng bởi các vườn sản xuất thông thường quanh vùng. Toàn bộ khu vườn được anh Quảng chăm chút cho cỏ mọc, tạo ra một hệ sinh thái gần gũi tự nhiên, để chính những cây cỏ này giữ ẩm cho đất, rồi lại trở thành chất bón hữu cơ. Như thế, anh vừa không phải mất chi phí nhân công làm cỏ, vừa không phải tốn chi phí thuốc diệt cỏ. Vườn anh Quảng là 1 trong 3 thành viên của nhóm trồng cam hữu cơ chuyển đổi do anh Hoàng Đức Hùng làm trưởng nhóm. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm vườn cam của gia đình ông Bùi Đăng Điền,
thôn 5 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên). 

 

3 hộ trong nhóm trồng cam hữu cơ chuyển đổi có diện tích khoảng 7 ha, năng suất mỗi vụ chừng 50 tấn quả, chủ yếu là cam sành, cam V2, cam Vinh và cam canh. Anh Hùng chia sẻ, cam ở đây có vị đậm và thơm hơn rất nhiều so với cam chăm sóc theo cách thông thường nhờ được chăm sóc đúng cách và đủ dinh dưỡng. Từ năm 2018, nhóm đã được Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hỗ trợ, kết nối với 3 doanh nghiệp Ba Lành (thành phố Hồ Chí Minh), Bắc Tôm, Tâm Đạt (Hà Nội) bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá bán thống nhất cho tất cả các loại cam là 25 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giá cam thông thường ở thời điểm hiện tại. 

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ, khi lựa chọn nhóm hộ để sản xuất cam hữu cơ, chi cục ưu tiên lựa chọn những hộ gia đình trẻ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để hướng dẫn cách thức sản xuất mới, thay đổi hoàn toàn thói quen sản xuất có lợi trước mắt như trước đây. Tất cả các khâu trước đây chỉ cần hòa thuốc, vác bình phun thì giờ thực hiện thủ công hoàn toàn. Phân bón là phân chuồng, phân xanh, đậu tương được ủ hoai; thuốc trừ sâu bệnh được trộn từ thuốc lào, ớt, tỏi, rượu, thảo mộc tự chế. Thậm chí nhiều loại sâu bệnh, bà con không phun chế phẩm mà chuyển sang bắt tay. Chị Nguyễn Thị Hường - vợ anh Hùng bảo, mất công, mất sức, nhưng bù lại cam mỗi năm một thơm hơn, đậm hơn, người tiêu dùng ưa chuộng hơn, trong khi bản thân người trồng cam như mình không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, sức khỏe được đảm bảo hơn rất nhiều. 

Ở Hàm Yên giờ có 9 hộ dân tham gia trồng cam theo mô hình nông nghiệp hữu cơ với diện tích 17 ha, tập trung tại thị trấn Tân Yên và xã Tân Thành. Tại các diện tích này, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Bà Dung cho biết, cách thức quản lý các tem truy xuất này cũng được thực hiện chặt chẽ, thay vì cho mã kích hoạt đồng loạt ngay từ đầu, chỉ khi có khách hàng đến đặt mua, nhà vườn dán tem và báo về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh số lượng tem đã dán, đơn vị mới kích hoạt để tránh tình trạng trà trộn các loại cam khác, ảnh hưởng đến tên tuổi, thương hiệu sản phẩm. 

Khi cây có múi đang mở rộng dần diện tích trên nhiều tỉnh, thành khác, thì việc nâng cao chất lượng, tạo dấu ấn của sản phẩm trên thị trường là điều mà nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có Hàm Yên đang tích cực triển khai. Cam sạch Hàm Yên đã xuất hiện trong nhiều siêu thị lớn nhỏ tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… “Mùa vàng” đã điểm, với những nông dân trồng cam nơi này!.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục