Cơ hội vàng giúp Ukraine lật ngược thế cờ trước Nga đã qua đi?

Trong cuộc đối đầu vũ trang với Nga, Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội vàng do phương Tây e ngại sức mạnh hạt nhân của Nga, thiếu tin tưởng vào năng lực của Ukraine và viện trợ nhỏ giọt trong giai đoạn đầu. Đến nay, khi Ukraine lâm vào khó khăn lớn, phương Tây lại càng chia rẽ và do dự.

Sau gần 2 năm xung đột với Nga, cơ hội để Ukraine lật ngược tình thế dường như không còn nhiều nữa.

Vũ khí đã đến chậm, Ukraine lại mắc sai lầm sa đà vào Bakhmut

Giới phân tích cho rằng chiến dịch phản công của Ukraine kém hiệu quả do phương Tây chậm chạp trong việc gửi cho họ xe thiết giáp.

Gustav Gressel - nghiên cứu viên về chính sách tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) nói với Newsweek rằng các xe chiến đấu Bradley của Mỹ và xe tăng Leopard do Đức sản xuất đáng lẽ sẽ hiệu quả hơn nữa nếu được bàn giao cho Ukraine đúng vào thời điểm Ukraine đã cải thiện khả năng phối hợp các lực lượng cơ giới.

 

Ngoài ra, theo Gressel, Ukraine còn mắc sai lầm là quá “đắm đuối” vào mặt trận Bakhmut (Artemovsk) trong thời gian dài, khiến họ tổn hao nhiều quân nhân giàu kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, phương Tây còn đánh giá thấp mức độ nhanh chóng của tác chiến điện tử Nga trong việc vô hiệu hóa đạn dược chính xác sử dụng định vị GPS.

Các kịch bản nghiêng về u ám cho Ukraine

Cựu Tư lệnh NATO Philip Breedlove dự báo 3 kịch bản cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đáng lưu ý, 2 trong 3 kịch bản này là chiến thắng giành cho phía Nga.

Tướng Mỹ Philip Breedlove nói với tờ Newsweek: “Nếu chúng ta không làm gì khác với những gì chúng ta đang làm hiện nay thì rốt cuộc, Ukraine sẽ thua bởi vì Nga có đông người hơn và có chiều sâu hơn so với Ukraine… Nếu phương Tây bỏ rơi Ukraine, nước này sẽ tiếp tục chiến đấu nhưng sẽ có thêm hàng chục ngàn người Ukraine nữa phải chết, còn Nga sẽ đưa Ukraine vào quỹ đạo của mình”.

Tướng 4 sao Breedlove cũng đưa ra 1 kịch bản tươi sáng cho Ukraine: “Nếu phương Tây lựa chọn cung cấp cho Ukraine cái họ cần để chiến thắng thì họ sẽ chiến thắng. Cuộc xung đột vũ trang này sẽ kết thúc chính xác theo cách mà giới hoạch định chính sách của phương Tây muốn và khát khao”.

Tuy nhiên, kịch bản thứ 3 này có mức khả thi rất thấp.

Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022, châu Âu đoàn kết quanh Ukraine với mức độ cao hơn cả khi họ đối đầu với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, theo Nigel Gould-Davies - nghiên cứu viên cao cấp về Nga và Á-Âu tai Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở London (Anh).

Nhưng sự ủng hộ tổng thể của châu Âu cho nỗ lực chiến đấu của Ukraine vẫn đang giảm. Một cuộc thăm dò do Ủy ban châu Âu tiến hành và công bố vào tháng 12/2023 cho thấy mức độ người châu Âu ủng hộ cung cấp thêm viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine đã giảm trong khoảng từ mùa hè đến mùa thu năm 2023.

Áp lực lên châu Âu càng gia tăng khi nội bộ Mỹ không còn mặn mà viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.

Mỹ giãn ra, EU chia rẽ và chủ yếu cam kết miệng

Ông Gould-Davies cho biết, dù sự hậu thuẫn chính trị của châu Âu cho Ukraine vẫn vững vàng thì các chính phủ châu Âu vẫn khó duy trì mức độ viện trợ quân sự và kinh tế mà họ từng dành cho Kiev.

Vẫn lời ông Gould-Davies: “Lúc này, mối quan tâm thực sự không phải là liệu phương Tây, kể cả châu Âu, sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine hay không. Vấn đề là liệu phương Tây sẽ tiếp tục cam kết cung cấp viện trợ cụ thể, đặc biệt là về quân sự, cho Ukraine hay không”.

Một số rạn nứt chính trị đã bộc lộ rõ.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào tháng 12/2023 đã chặn kế hoạch của Liên minh châu Âu về việc viện trợ cho Ukraine khoảng 52 tỷ USD. Ông Orlan cũng như tân Thủ tướng Slovakia đều kêu gọi cắt giảm viện trợ cho Ukraine.

Hồi tháng 9/2023, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni mô tả tình trạng “rất mệt mỏi” ở những người ủng hộ Ukraine.

Giới chức các nước Baltic, Bắc Âu và Đông Âu cho hay họ ngày càng lo ngại rằng các chia rẽ trên sẽ khiến Ukraine thất bại nhanh chóng trong cuộc đối đầu quân sự với Nga. Họ thậm chí lo ngại, trong tình huống đó, Tổng thống Putin sẽ đưa quân vào các nước khác từng là thành viên của Liên Xô trước đây.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô của Litva, Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ lo lắng: “Việc các đối tác không chắc chắn trong viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine sẽ chỉ làm tăng thêm sự can đảm và sức mạnh của Nga”.

Một báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Estonia tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine phải được huấn luyện đầy đủ và cung cấp đủ đạn dược cần thiết - ít nhất là 200.000 viên đạn pháo 155mm mỗi tháng để có khả năng gây tử trận hoặc làm trọng thương ít nhất 50.000 quân Nga cứ mỗi 6 tháng. Các con số này đều vượt xa mức mà cả Mỹ và EU kết hợp lại cung cấp được.

Ở Đức, giới chức phê chuẩn kế hoạch của Thủ tướng Olaf Scholz tăng gấp đôi mức ủng hộ dành cho Ukraine năm nay lên thành khoảng 8,8 tỷ USD. Tuy nhiên, chính phủ Đức không gửi cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus - loại vũ khí có thể đánh tới được bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014 hoặc đánh sâu vào các vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát.

Thủ tướng Đức Scholz mới đây nói rằng các đóng góp của riêng Đức “sẽ không đủ để đảm bảo an ninh cho Ukraine về dài hạn”.

Ông Scholz thừa nhận: “Lượng vũ khí mà đa số các quốc gia EU lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine cho tới hiện nay là quá nhỏ, xét về mọi mặt”.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục