Hà Nội FC - Sài Gòn FC: Ai nên thắng?

Kịch bản phức tạp nhất ở cuộc đua vô địch V-League 2020 đã xảy ra khi Viettel hạ Quảng Ninh, đẩy hai đối thủ còn lại là Hà Nội và Sài Gòn vào hoàn cảnh nhạy cảm.

 

Nếu Quảng Ninh kiếm được ít nhất một điểm tại Hàng Đẫy hôm 3/11, kịch bản sẽ rất khác. Bởi khi đó, Viettel chỉ còn khoảng 10% cơ may vô địch. Trận Hà Nội FC – Sài Gòn FC đá sau, nên hai đội bóng sẽ có cách để duy trì cơ hội cho đến vòng cuối. Nhưng Viettel đã thể hiện bản lĩnh của một ứng viên vô địch, và HLV Trương Việt Hoàng đã là một con người khác, sau trái đắng ở Hải Phòng mùa 2016.

Đánh bại Quảng Ninh hôm 3/11, Viettel đang rộng cửa nhất trên đường đua vô địch. Ảnh: Lâm Thỏa
 

Đánh bại Quảng Ninh, Viettel (đỏ) đang rộng cửa nhất trên đường đua vô địch. Ảnh: Lâm Thỏa.

Qua năm trận liên tiếp, chưa đội bóng nào làm tung lưới thủ môn Trần Nguyên Mạnh. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử V-League. Đội bóng duy nhất ghi bàn vào lưới Viettel chính là... HAGL ở lượt trận đầu tiên của giai đoạn II. Như vậy, qua sáu trận, đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng mới thủng lưới một bàn duy nhất - điều không đội nào làm được.

Chi tiết này có thể gây cảm giác nhàm chán nơi khán giả trung lập, nhưng chắc chắn khiến mọi đối thủ của Viettel bối rối. Đánh bại đội bóng này giờ đây trở thành một nhiệm vụ quá khó khăn. Ngay cả trận thắng HAGL 4-1, Viettel cũng chỉ sút cầu môn bốn lần. Ngược lại, khi đối đầu các đội đang cạnh tranh trực tiếp, Viettel hầu như không để đối phương tiếp cận 16m50. Hôm 3/11, Quảng Ninh cả trận không có cú sút nào đi đúng hướng. Năng lực phòng ngự của Viettel đã đạt đến cảnh giới... thượng thừa. Dựa trên ưu thế ấy, Viettel chỉ cần ghi sớm một bàn, rồi đổ bê tông. Thế là đủ.

Chính hàng thủ chắc chắn ấy là vấn đề đau đầu của trận cầu Hà Nội FC - Sài Gòn FC. Lẽ ra, trận đấu này phải diễn ra cùng giờ với trận Viettel - Quảng Ninh hôm 3/11. Khi đó, sự kịch tính còn cao hơn. Nhưng việc đã biết trước kết quả, khi Viettel nắm quá nhiều lợi thế, thì câu chuyện của trận Hà Nội FC- Sài Gòn FC không còn là thắng – thua nữa, mà là... "ai nên thắng"?

Mùa 2012 cũng có đoạn kết theo kịch bản gần giống hiện tại. Ở vòng cuối, trong khi Đà Nẵng (45 điểm) làm khách ở Ninh Bình, đầu bảng Hà Nội T&T (46 điểm) đấu Xuân Thành Sài Gòn (45 điểm) tại Thống Nhất. Khi đó, Hà Nội T&T không vượt trội như bây giờ, lại đá sân khách, không chắc thắng để vô địch. Cuối cùng, họ chơi một trận đấu rất lạ - cố tình thủ hòa, dù có điểm số tốt nhất trong ba đội. Bầu Thụy của Sài Gòn Xuân Thành, sau trận, nói Hà Nội "đá cho Đà Nẵng". Đội bóng của HLV Lê Huỳnh Đức khi đó đã dự báo sẽ thắng dễ Ninh Bình trong trận cùng giờ, và cuối cùng thì "kịch bản" diễn ra đúng như vậy. Tất nhiên, Xuân Thành Sài Gòn có quyền tự quyết, chỉ cần thắng là vô địch, nhưng trước một đội mạnh như Hà Nội T&T mà cố tình đá hòa, họ cũng đành bó tay.

Trở lại với hiện nay. Hà Nội và Sài Gòn đều còn nguyên cơ hội vô địch, nhưng không ai nắm chắc. Nếu Hà Nội thắng chiều nay, họ sẽ buộc phải thắng Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả ở vòng cuối và chờ Viettel mất điểm trước Sài Gòn ở Thống Nhất. Trong khi đó, nếu muốn vô địch, Sài Gòn phải có ít nhất một điểm trên sân Hàng Đẫy hôm nay, trước khi về sân nhà đấu "chung kết" với Viettel.

Vấn đề phức tạp ở chỗ, để vô địch, đội bóng của Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành, dù hòa hay thắng Hà Nội FC, vẫn phải thắng Viettel ở trận cuối do kém điểm số. Nhiệm vụ này quá khó nếu nhìn vào cách chơi thực dụng mà Viettel đang áp dụng cực kỳ thành công. Sài Gòn lại không giỏi áp đặt lối chơi, nên nếu đá với sức ép phải thắng Viettel, họ sẽ càng dễ dính đòn "hồi mã thương". Nói cách khác, dù thắng Hà Nội, "cửa" vô địch của Sài Gòn vẫn dưới mức 50%.

Hà Nội (áo tím) sẽ phải đánh bại Sài Gòn chiều nay để nuôi hy vọng vượt Viettel, bảo vệ ngôi báu. Ảnh: Lâm Thỏa

Hà Nội (áo tím) sẽ phải đánh bại Sài Gòn chiều nay để nuôi hy vọng vượt Viettel, bảo vệ ngôi báu. Ảnh: Lâm Thỏa

Nhưng nếu Hà Nội FC thắng trận thì sao? Khi đó, họ sẽ đạt 36 điểm, và nếu thắng luôn Quảng Ninh ở vòng cuối, điểm số sẽ là 39. Viettel hiện 38 điểm, nhưng nếu không thắng được Sài Gòn ở vòng cuối, thì nhiều lắm, họ chỉ được 39 điểm. Hiệu số của Hà Nội hiện tốt hơn Viettel rất nhiều, nên nếu kịch bản này xảy ra, đội bóng của bầu Hiển sẽ vô địch một cách ngoạn mục. Nhưng để làm được như vậy, Hà Nội cần có sự "giúp đỡ" của Sài Gòn. Tức là đội của ông Vũ Tiến Thành "phải" thua tại Hàng Đẫy hôm nay, nhưng sau đó lại "gồng mình" đá để thủ hòa Viettel tại Thống Nhất, dù cơ hội vô địch không còn.

Vì Viettel đá sớm và đã thắng, mọi thứ trở nên phức tạp. "Cửa" của Hà Nội hẹp, nhưng mục tiêu thắng cả hai trận cuối vẫn dễ thực hiện hơn so với Sài Gòn . Ngược lại, Sài Gòn khó có thể thắng cả hai trận, nhưng đủ sức để cầm hòa Viettel ở vòng cuối trên sân Thống Nhất. Đây là điều tương tự Hà Nội T&T ở mùa 2012. Vấn đề là mối quan hệ giữa Sài Gòn và Hà Nội hiện tại có giống Hà Nội T&T và Đà Nẵng của tám năm trước hay không?

Về lý thuyết, sau khi bầu Hiển bán đội bóng cho nhóm nhà đầu tư mới, thì giữa Hà Nội và Sài Gòn không còn mối quan hệ. Nhưng quá trình chuyển giao ấy đã kết thúc chưa, liệu có điều khoản "đặc biệt" nào đó không, thì chẳng ai biết được. Hơn nữa, cũng khó mà nói rằng nhiều cầu thủ của Sài Gòn đã quên họ từng là "quân của bầu Hiển". Trong trường hợp giữa hai đội vẫn còn quan hệ, thì có lẽ phải dồn vào "cửa" của Hà Nội, hơn là đánh cược với Sài Gòn.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục