Mỹ đang lún sâu vào cuộc chiến ở Ukraine nhưng không muốn vượt lằn ranh đỏ với Nga

Việc Tổng thống Biden ký Đạo luật Cho mượn - Cho thuê ngày 9/5 nhằm đơn giản quá trình cung cấp vũ khí cho Ukraine là một trong số những động thái đáng chú ý cho thấy Mỹ đang lún sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine. Dù vậy, Washington vẫn không muốn vượt qua lằn ranh đỏ với Nga.

 

Mỹ đang lún sâu vào cuộc chiến ở Ukraine?

Khi Tổng thống Biden ký Đạo luật Cho mượn - Cho thuê ngày 9/5, 81 năm sau khi Đạo luật Cho mượn - Cho thuê để hỗ trợ vũ khí cho các nước đồng minh được ban hành trong Thế chiến II, Mỹ đã can dự ngày càng sâu vào cuộc chiến ở Ukraine.

Bình luận về việc ký Đạo luật trên, Tổng thống Mỹ cho rằng: "Cái giá của chiến sự không hề rẻ nhưng nếu nhượng bộ sự gây hấn xâm lược thì còn khiến phải trả giá đắt hơn nữa".

Ngoài chương trình Cho mượn - Cho thuê mới, vốn sẽ dỡ bỏ những yêu cầu mất nhiều thời gian để đẩy nhanh quá trình cung cấp vũ khí cho Ukraine, Tổng thống Biden đã đề xuất gói hỗ trợ nhân đạo và quân sự trị giá 33 tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine. Đệ nhất phu nhân Mỹ - bà Jill Biden cũng đã có chuyến thăm bí mật tới vùng chiến sự ở Ukraine. Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp các thông tin tình báo hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Từ đầu cuộc chiến, chính quyền Tổng thống Biden đã xem xét chi tiết về việc phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine khi quyết định các vũ khí nào được coi là phòng thủ để cung cấp cho Ukraine và những vũ khí nào được coi là tấn công để không chuyển giao những vũ khí đó.

Tuy nhiên, ranh giới đó đã bị dịch chuyển trong những tuần gần đây với việc Mỹ ngày càng vận chuyển nhiều thiết bị quân sự tinh vi hơn cho Ukraine, cũng như công khai thể hiện rằng Washington không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn muốn làm suy yếu nước Nga. Sau chuyến thăm thủ đô Kiev cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tuyên bố, “chúng tôi muốn thấy Nga bị suy yếu tới mức mà nước này không thể tiến hành chiến dịch quân sự như những gì nước này từng làm ở Ukraine”, trong khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết trong chuyến thăm tới Kiev sau đó rằng Mỹ "sẽ đứng về phía Ukraine cho tới khi nước này giành chiến thắng".

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng Mỹ đang thiếu thận trọng trước nguy cơ có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột toàn diện với Nga.

"Cần nhận thức rõ về những rủi ro và những gì chúng ta cần làm để hạn chế tối đa những rủi ro đó", Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành Quincy Institute for Responsible Statecraft nhận định.

Eugene Finkel, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins đánh giá, từ lâu Tổng thống Putin đã coi cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga với Mỹ và NATO.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định trong một tuyên bố ngày 8/4 rằng NATO đang khiến cuộc xung đột ở Ukraine lan rộng bằng cách tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí hơn cho Kiev.

"Bằng cách tiếp tục cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, liên minh này đang khiến xung đột lan rộng", bà Zakharova nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng mặc dù NATO phủ nhận liên minh này là một phần của cuộc xung đột tại Ukraine nhưng trên thực tế, NATO đang chiến tranh với Nga qua việc sử dụng Ukraine làm lực lượng ủy nhiệm.

Dù vậy, Fiona Hill, cựu cố vấn về Nga dưới 2 đời Tổng thống Mỹ, hiện đang làm việc tại Viện Brookings đã bác bỏ khả năng cuộc chiến ở Ukraine sẽ trở thành cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ.

Không muốn vượt qua lằn ranh đỏ

Trong khi Tổng thống Biden công khai cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và ký Đạo luật Cho mượn - Cho thuê thì phía sau hậu trường, ông đã bày tỏ lo ngại trước những thông tin rằng sự hỗ trợ tình báo của Mỹ cho Ukraine có thể khiêu khích Nga và khiến căng thẳng leo thang - điều mà nhà lãnh đạo Mỹ không hề mong muốn.

Sau những bài báo của New York Times và NBC News về vấn đề cung cấp thông tin tình báo, Tổng thống Biden đã gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Avril Haines và giám đốc CIA William Burns để chỉ trích họ về việc này. Dường như Tổng thống Biden đang vẽ ra một lằn ranh rõ ràng, đó là sẽ không có vấn đề gì trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine nhưng việc cung cấp cho Ukraine những thông tin cụ thể để họ bắn hạ máy bay Nga nên được giữ bí mật và không công khai.

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa việc ủng hộ Ukraine để đảm bảo rằng nước này có đủ khả năng để tự vệ với việc hạn chế nguy cơ cuộc chiến leo thang ra ngoài Ukraine, Alina Polyakova, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, đồng thời là một chuyên gia về chính sách với Nga cho hay.

Micharl A. McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga hiện làm việc tại Đại học Standford cho rằng có sự khác biệt giữa việc hỗ trợ Ukraine nhắm vào các mục tiêu của Nga và việc công khai nói về điều đó.

"Đúng là Tổng thống Putin biết rằng chúng ta đang cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine. Nhưng việc công khai nói về nó trước công chúng sẽ tạo ra ấn tượng rằng Nga đang giao tranh với Mỹ và NATO ở Ukraine chứ không chỉ với Ukraine. Điều đó không phục vụ cho các lợi ích của chúng ta", cựu Đại sứ Mỹ bình luận.

Ông McFaul cũng cho rằng việc công khai nói về sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine có thể khiến Kiev trông có vẻ phụ thuộc vào Washington.

Trong khi đó, chuyên gia Trita Parsi nhận định việc Tổng thống Biden yêu cầu các quan chức Mỹ hạn chế nói về việc Mỹ giúp làm suy yếu Nga như thế nào nhưng kêu gọi làm rõ hơn về quy mô chiến lược của Mỹ là một dấu hiệu tích cực.

Một số cựu quan chức trong chính quyền Mỹ cũng cho rằng Tổng thống Biden đã đúng khi tỏ ra thận trọng về việc khiêu khích quá mức với Nga bởi hậu quả của xung đột với một quốc gia hạt nhân như Nga sẽ vô cùng khủng khiếp.

Bà Shannon Bugos, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Viện Kiểm soát Vũ trang đánh giá, ít nhất là cho tới thời điểm này, nguy cơ Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine rất thấp.

Hiện nay, cả Mỹ và Nga đều có những động thái nhằm duy trì sự ổn định, trong đó có việc các quan chức Mỹ và NATO khẳng định lập trường về việc sử dụng hạt nhân không thay đổi và việc Nga thông báo trước với Mỹ về việc nước này đang thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng trước. Bà Bugos cho rằng Nga sẽ không di chuyển các ICBM di động - vốn được coi là dấu hiệu cho thấy điện Kremlin đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân.

Một vấn đề quan trọng được đặt ra hiện nay là liệu Mỹ và Nga có làm hồi sinh Đối thoại Ổn định chiến lược hay không - một khung làm việc cho phép Washington và Moscow đối thoại rõ ràng để tránh đối đầu hạt nhân và hợp tác về các vấn đề kiểm soát vũ trang.

Cuộc đối thoại này đã dừng lại sau khi Nga tấn công Ukraine nhưng nhà quan sát Bugos nhận định: "Hình thức đối thoại này bị dừng lại là điều có thể hiểu được nhưng cùng lúc đó, tôi nhận thấy có khả năng nó sẽ được hồi sinh trong những tuần hoặc tháng tới bởi cả hai đều không muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân"./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục