Nền 'kinh tế bạc' dựa vào người già của Singapore

Khi dân số già hóa nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp Singapore đang nhắm đến nhóm khách hàng cao tuổi, tạo thị trường tiềm năng trị giá hàng chục tỷ USD.

 

Singapore đang già hóa nhanh chóng, với công dân trên 65 tuổi chiếm gần 1/5 dân số, tăng 11,7% so với một thập kỷ trước, theo thống kê chính phủ năm nay. Với tốc độ này, Singapore sẽ ghi nhận 25% dân số trên 65 tuổi vào năm 2030.

Trong bối cảnh nhân khẩu học thay đổi, nhiều doanh nghiệp tại quốc đảo đang tập trung phát triển "nền kinh tế bạc", tạo sản phẩm và dịch vụ trên nhiều lĩnh vực cho nhóm khách hàng là người cao tuổi.

Theo chỉ số năm 2020 của Aging Asia, công ty tư vấn thị trường Singapore, quốc đảo này là thị trường tiềm năng nhất cho thị trường người cao tuổi trong số 15 nước châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế bạc của đảo quốc dự kiến đạt trị giá 72,4 tỷ USD năm 2025.

Người cao tuổi Singapore chơi cờ tướng ngoài trời, năm 2016. Ảnh: Mackerel

Người cao tuổi Singapore chơi cờ tướng ngoài trời, năm 2016. Ảnh: Mackerel

Vanessa Keng, đồng sáng lập Golden Concepts, nền tảng thương mại điện tử chuyên về các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, nói thị trường dựa vào người già đang phát triển ổn định.

"Ngày càng nhiều công ty tung ra các sản phẩm đa dạng, đào sâu các ngách của thị trường. Ngày càng nhiều người cao tuổi mua sản phẩm cho bản thân hoặc cho bạn đời", bà Keng cho biết, thêm rằng sự phát triển này sẽ giúp khách hàng cao tuổi dễ dàng lựa chọn sản phẩm, loại hình dịch vụ phù hợp nhu cầu.

Nhiều công ty bắt đầu phát triển các sản phẩm hỗ trợ cuộc sống độc lập của người già. Họ tung ra thị trường các sản phẩm độc đáo như bấm móng tay có kính lúp, thìa cong hỗ trợ người cao tuổi cầm nắm dễ dàng hơn khi ăn uống.

Các công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet Vạn vật (IoT) cũng đang tập trung phát triển các giải pháp chăm sóc người cao tuổi. Theo Bộ Y tế Singapore, khoảng 100.000 người cao tuổi nước này sẽ cần hỗ trợ trong ít nhất một hoạt động sinh hoạt hàng ngày vào năm 2030.

Các công ty công nghệ y tế Singapore đang kết nối bệnh nhân cao tuổi với bác sĩ thông qua ứng dụng di động, giúp theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa. Một số công ty khởi nghiệp tung ra các sản phẩm công nghệ có thể phát hiện người cao tuổi bị ngã hoặc đang gặp nguy hiểm.

Công nghệ phân tích, theo dõi vết thương qua ảnh chụp của Tetsuya, công ty khởi nghiệp Singapore. Ảnh: CNA

Công nghệ phân tích, theo dõi vết thương qua ảnh chụp của Tetsuya, công ty khởi nghiệp Singapore. Ảnh: CNA

Theo các chuyên gia, thái độ, hành vi tiêu dùng của nhóm khách hàng này sẽ là yếu tố quyết định thành bại của các doanh nghiệp Singapore trong nền kinh tế bạc.

"Thế hệ baby boomer ở Singapore, những người đang 60-75 tuổi, được giáo dục tốt hơn, có nhiều tiền tiết kiệm hơn và nhận thức rõ hơn về các nguồn lực, dịch vụ phục vụ cuộc sống so với thế hệ trước", Kelvin Tan, chuyên gia cấp cao về xã hội già hóa tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS), giải thích.

"Họ chu cấp cho con cái nhiều hơn, cũng như sẵn sàng chi tiền hơn cho bản thân và những trải nghiệm mới", Janice Chia, nhà sáng lập Aging Asia, nhận định, thêm rằng thế hệ baby boomer sẽ là phân khúc khách hàng chính của các doanh nghiệp trong 1-2 thập kỷ tới.

Theo Citibank, nhóm trên 65 tuổi có tốc độ tăng tiêu dùng nhanh nhất giữa các nhóm tuổi trong nền kinh tế Singapore.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cũng tạo cơ hội cho các công ty phát triển dịch vụ phúc lợi. Chuyên gia Tan cho hay thế hệ cao tuổi ngày nay ý thức cao hơn về duy trì sức khỏe tốt, có xu hướng tiếp tục làm việc, gắn bó với cộng đồng trong tuổi già. Người tiêu dùng trẻ cũng được dự báo sẽ chi nhiều hơn cho các dịch vụ cho người cao tuổi.

Người cao tuổi hoạt động thể chất bên trong viện dưỡng lão St Luke, Singapore. Ảnh: St Lukes Eldercare

Người cao tuổi hoạt động thể chất bên trong viện dưỡng lão St Luke, Singapore. Ảnh: St Luke's Eldercare

Nhiều người cao tuổi Singapore đã sớm tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ trong kinh tế bạc, song còn nhiều người cảm thấy những loại hình này phức tạp, khó sử dụng. Một số thậm chí có thể cảm thấy quyền riêng tư bị công nghệ xâm phạm.

"Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể cần đầu tư thời gian để nỗ lực tăng nhận thức về lợi ích của công nghệ cho khách hàng cao tuổi", Ng Li Lian, đồng sáng lập Tetsuyu, công ty cung cấp sản phẩm theo dõi vết thương, dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân lớn tuổi trên các thiết bị Internet, nêu đề xuất.

Nền tảng Golden Concepts cũng ghi nhận lượng khách mua các thiết bị hỗ trợ di chuyển tăng đáng kể, như gậy đi bộ, khung tập đi. "Điều này cho thấy nhiều người sớm sử dụng thiết bị hỗ trợ di chuyển hơn, có khả năng sống độc lập tốt hơn", bà Keng cho biết.

Nhiều công ty đã tung ra sản phẩm gậy chống có vẻ ngoài giống với gậy leo núi thể thao. Ngành may mặc cũng tung ra sản phẩm quần tích hợp với tã người lớn.

Những đơn vị này đang tập trung giúp người cao tuổi sống với "phẩm giá và sự tôn trọng", chuyên gia Tan từ SUSS nói. "Người cao tuổi không muốn bị coi là yếu đuối".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục