Nguy cơ với Israel nếu đưa quân tấn công Dải Gaza

Nếu mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza, quân đội Israel sẽ đối mặt nhiều bất lợi, đặc biệt khi Hamas đã chuẩn bị trước với mạng lưới đường hầm phức tạp.

 

Quân đội Israel (IDF) tuần qua tập kết 360.000 binh sĩ cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép xung quanh biên giới Dải Gaza, tuyên bố sẽ tiến hành chiến dịch hiệp đồng trên bộ, trên biển và trên không để đáp trả Hamas sau cuộc đột kích của lực lượng này vào lãnh thổ hôm 7/10.

John Spencer, chuyên gia tại Viện Chiến tranh Hiện đại thuộc Học viện Lục quân West Point của Mỹ, cuộc tấn công được lên kế hoạch của Israel sẽ là "chiến dịch lớn nhất trong lịch sử nhằm vào Dải Gaza". IDF hoàn toàn áp đảo về lực lượng so với Hamas, nhưng một chiến dịch trên bộ như vậy sẽ đi kèm với những rủi ro rất lớn, theo giới quan sát.

Người lính Israel nhìn ra từ xe tăng khi tập trung gần biên giới với Dải Gaza hôm 12/10. Ảnh: Reuters

Người lính Israel nhìn ra từ xe tăng khi tập trung gần biên giới với Dải Gaza hôm 12/10. Ảnh: Reuters

Rủi ro này được thể hiện ngay trong cuối tuần qua, khi IDF đã phải hoãn kế hoạch tấn công, vốn được ấn định vào ngày 14-15/10, do "thời tiết không thuận lợi", theo ba quan chức quốc phòng cấp cao Israel giấu tên. Khu vực này vừa trải qua các trận mưa lớn, có thể cản trở đáng kể hoạt động tác chiến hiệp đồng giữa không quân và bộ binh.

Chiến dịch tấn công nhiều khả năng sẽ được trì hoãn trong vài ngày, khi IDF tự tin hơn về mức độ thành công, cũng như khi các quan chức ngoại giao khu vực và thế giới chạy đua với thời gian để tìm cách hạ nhiệt cuộc khủng hoảng.

Nếu lệnh tấn công được phát ra, lực lượng Israel tiến vào Gaza sẽ gồm lính bộ binh, công binh, đặc nhiệm và tăng thiết giáp. Họ sẽ được yểm trợ bởi chiến đấu cơ, trực thăng vũ trang, UAV, pháo binh và tàu chiến.

"Nhiệm vụ là truy tìm Hamas và loại bỏ dàn lãnh đạo của họ. Tổ chức này sẽ không thể kiểm soát Dải Gaza về mặt chính trị và quân sự nữa", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel Daniel Hagari nói hôm 14/10.

Alexander Grinberg, chuyên gia Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, nhận định "các cuộc tấn công trước hết sẽ nhắm vào trung tâm chỉ huy và đội hình chiến binh Hamas, với các loại hỏa lực từ khắp mọi nơi". "Cùng lúc, lục quân Israel sẽ tiến vào Gaza từ trên bộ", ông nói thêm.

Tuy nhiên, một cuộc giao tranh đô thị tại Gaza sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nó buộc các binh sĩ Israel phải chiến đấu giành giật từng căn nhà, góc phố, trong điều kiện tầm nhìn hạn chế do vật cản, khói bụi và không gian chật hẹp, khiến xe tăng, xe bọc thép rất khó tác chiến. Họ cũng đối mặt với muôn vàn cạm bẫy, mìn, cũng như khó phân biệt giữa dân thường với các tay súng đối phương.

Andrew Galer, cựu sĩ quan quân đội Anh, hiện là nhà phân tích tại công ty tình báo tư nhân Janes, đánh giá giao tranh trong đô thị là "chiến trường 360 độ, bởi các mối đe dọa có thể đến từ bất cứ đâu xung quanh bạn".

Việc chiếm từng tòa nhà cũng sẽ làm tăng nguy cơ binh sĩ Israel đạp phải mìn gặp dính bẫy nổ do các tay súng Hamas gài bên trong, ông giải thích. Đây là nguy cơ mà các lực lượng tác chiến đô thị đều gặp phải, khiến tốc độ tiến quân rất chậm chạp và nguy cơ thương vong luôn cao.

Họ cũng phải chấp nhận rủi ro "quân ta bắn quân mình" do tình hình hỗn loạn khi giao tranh và khả năng nắm bắt tình huống hạn chế, Galer nói. "Việc sử dụng pháo binh có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, vì chúng gây thương vong lớn cho lực lượng phòng thủ, nhưng những đống đổ nát mà đạn pháo gây ra sẽ giúp đối phương ẩn náu".

"Chiến đấu trong khu vực đô thị có lợi cho phe phòng thủ", Rodger Shanahan, cựu sĩ quan quân đội Australia, chuyên gia về Trung Đông, cho hay. "Nó sẽ vô hiệu hóa một số thế mạnh về khí tài của Israel. Binh sĩ phải ra khỏi xe thiết giáp chở quân, đột kích từng tòa nhà trong khu vực để đảm bảo không còn tay súng đối phương nào ẩn náu trong đó".

Khoảng 2,3 triệu dân Palestine sống tại Dải Gaza có diện tích khoảng 365 km2, biến nơi đây thành một trong những đô thị đông đúc nhất thế giới. Khu vực này vốn có hệ thống đường phố chật hẹp, với các tòa nhà san sát. Mạng lưới đường hầm tại đây thậm chí còn chằng chịt và phức tạp hơn.

Hamas đã cho xây dựng vô số đường hầm dọc đường biên giới dài 14 km giữa Gaza với Ai Cập, giúp bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược và những mặt hàng khác vào dải đất, bất chấp các biện pháp phong tỏa của Israel.

Kể từ năm 2014, Hamas còn tích cực đào những con đường dưới lòng đất để di chuyển khắp lãnh thổ mà họ kiểm soát. Một số con đường nằm sâu tới 30-40 m, cho phép các tay súng ẩn náu dưới làn hỏa lực mạnh nhất của Israel.

Quân đội và tình báo Israel chắc chắn đã biết về mạng lưới này và từng bắn phá dữ dội nhằm phá hủy chúng vào năm 2021. Tuy nhiên, nhiều phần của mạng lưới đường hầm vẫn được giữ bí mật và sẽ gây khó khăn rất lớn cho quân đội Israel khi tác chiến trên bộ ở Gaza.

Mạng lưới đường hầm giúp các tổ tên lửa chống tăng của Hamas di chuyển khắp nơi, thoắt ẩn thoắt hiện qua các cửa sập bí mật. Họ có thể luồn ra sau đội hình tăng thiết giáp Israel, khai hỏa một vài quả đạn, rồi nhanh chóng rút lui về vị trí an toàn.

Colin Clarke, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Soufan, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New York, cho biết Hamas "thuộc lòng các đường hầm của mình".

"Một số đường hầm có khả năng bị cài bẫy, khiến binh sĩ Israel rất khó chui vào. Việc chuẩn bị chiến đấu ở địa hình như vậy sẽ cần đến nguồn thông tin tình báo sâu rộng mà Israel dường như đang không có", ông nhận xét.

Vì thế, giao tranh dưới các đường hầm sẽ mang lại lợi thế chiến thuật rất lớn cho lực lượng phòng thủ Hamas. Mặt khác, các tay súng Hamas còn có thể kích hoạt thuốc nổ bịt kín đường hầm khi đối phương tiến vào, khiến mỗi bước đi của binh sĩ Israel đều tiềm ẩn nguy hiểm.

"Ai cũng đều biết rằng đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài và khó khăn với nhiều tổn thất", Grinberg nói.

Khoảng 120 con tin mà Hamas đang giam trong các đường hầm cũng tạo thêm rắc rối cho IDF. "Công chúng Israel sẽ không tha thứ nếu mạng sống của con tin không được coi là ưu tiên hàng đầu", Sylvaine Bulle, nhà xã hội học về Israel tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), bình luận.

Theo bà, người dân nhiều khả năng sẽ đổ lỗi cho chính quyền vì vừa không thể đảm bảo an ninh cho họ và nay lại không đưa được con tin trở về nhà, qua đó dẫn đến "xung đột giữa giới chính trị gia và quân đội".

Kobi Michael, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS), trụ sở tại Tel Aviv, cho biết chính phủ hiện tại rất khó đàm phán với Hamas để giải quyết khủng hoảng con tin, trong bối cảnh phe quân đội đang sục sôi ý chí trả thù và dư luận không chấp nhận nhượng bộ trước Hamas.

"Với tất cả nỗi đau buồn mà cả dân tộc Israel vừa trải qua, vấn đề con tin không thể là ưu tiên hàng đầu", ông nói.

Một quan chức Hamas tại Qatar tuần trước cũng cho biết "hiện tại, không có cơ hội đàm phán về vấn đề tù nhân hay bất cứ điều gì khác".

Những tòa nhà bị phá hủy tại Dải Gaza sau một cuộc không kích của Israel hôm 11/10. Ảnh: AFP

Những tòa nhà bị phá hủy tại Dải Gaza sau một cuộc không kích của Israel hôm 11/10. Ảnh: AFP

John Blaxland, giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng lục quân Israel sẽ xâm nhập Dải Gaza một cách bài bản, nhưng chiến dịch này chắc chắn sẽ "tốn tiền của, thời gian và cướp đi sinh mạng rất nhiều người ở cả hai phía".

Bên cạnh đó, theo Lawrence Freedman, giáo sư danh dự nghiên cứu về chiến tranh tại Đại học Hoàng gia London, trong khi tấn công Dải Gaza, Israel còn phải đề phòng nguy cơ lực lượng Hezbollah tại Lebanon mở "mặt trận thứ hai" ở phía bắc.

"Hezbollah đang góp phần trong cuộc đối đầu của Hamas với Israel và sẽ tiếp tục tham gia theo tầm nhìn và kế hoạch của chúng tôi", phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem phát biểu trong cuộc tuần hành ủng hộ người Palestine ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon ngày 13/10. "Chúng tôi theo dõi động thái của kẻ thù, chuẩn bị đầy đủ và khi thời cơ đến, chúng tôi sẽ hành động".

Ngay cả khi Israel đạt được mục tiêu "hủy diệt" Hamas sau chiến dịch tấn công, câu hỏi đặt ra là họ sẽ làm gì tiếp theo với Dải Gaza. "Kinh nghiệm cho thấy rằng một khi đã xâm nhập vào những vùng lãnh thổ như vậy, phe tấn công khó có thể thoát ra và đạt được nhiều thành tựu", Freedman lưu ý.

Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog hôm 15/10 nói rằng Israel "không có mong muốn" chiếm đóng Dải Gaza và mục tiêu của chiến dịch tấn công trên bộ là "nghiền nát cỗ máy chiến tranh" của Hamas, nhưng chuyên gia Blaxland cảnh báo đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Ngay cả khi các thủ lĩnh Hamas thiệt mạng và năng lực quân sự của nhóm bị tê liệt, sự ủng hộ của người dân ở Gaza dành cho nhóm này sẽ không biến mất. "Họ có thể kìm chế Hamas, nhưng những nhóm chiến binh tiếp theo sẽ chờ đợi thời cơ trỗi dậy cùng lòng căm thù sâu sắc hơn đối với Israel", ông nói.

Cục diện chiến sự Hamas - Israel. Đồ họa: CNN

Cục diện chiến sự Hamas - Israel. Đồ họa: CNN

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục