Những tụ điểm khiến Nhật trả giá trước Covid-19

Nhật chú trọng xác định các cụm lây nhiễm và cách ly nguồn lây để chống virus, nhưng các quán bar, hộp đêm ở Tokyo phá hỏng chiến lược này.

 

Chiến lược xác định cụm dịch, truy vết tiếp xúc đến F0 cũng như phát hiện và cách ly những người phơi nhiễm đã giúp Nhật Bản phần nào thành công trong khống chế Covid-19 ở giai đoạn đầu tiên.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 3, các nhà điều tra dịch tễ trong đội kiểm soát lây nhiễm của Nhật phát hiện ra rằng có những trường hợp họ không thể tìm ra nguồn lây. Đây là thời điểm các cụm dịch bắt đầu xuất hiện tại những quán bar và hộp đêm ở Tokyo, nơi thường xuyên đón những vị khách là giám đốc công ty hay nhân viên văn phòng làm công ăn lương.

Vấn đề với các nhà điều tra dịch tễ khi truy vết ca nhiễm tại những tụ điểm này là những người điều hành và nhân viên quán bar, hộp đêm nhất định không hé nửa lời về khách hàng của mình.

Một con hẻm vắng vào ban đêm ở khu Shibuya, Tokyo. Ảnh: Bloomberg News.Một con hẻm vắng vào ban đêm ở khu Shibuya, Tokyo. Ảnh: Bloomberg News.

Một con hẻm vắng vào ban đêm ở khu Shibuya, Tokyo. Ảnh: Bloomberg News.Một con hẻm vắng vào ban đêm ở khu Shibuya, Tokyo. Ảnh: Bloomberg News.

"Những tụ điểm vui chơi về đêm này đón nhiều khách hàng là những người quyền thế, giàu có", Takeaki Imamura, giáo sư Đại học ­Tohoku, thành viên đội kiểm soát lây nhiễm Nhật Bản, cho biết. "Nhân viên tại đó có nghĩa vụ bảo vệ khách hàng, vì thế họ không cung cấp thông tin gì. Họ không bao giờ tiết lộ ai đã đến quán hay khách hàng đi cùng ai. Để xác định chuyện gì đã diễn ra thực sự khó khăn".

Những tụ điểm này phản ánh mặt tối của Tokyo, nơi đàn ông sẵn sàng chi nhiều tiền để ngồi uống với các nữ tiếp viên, hay dịch vụ sẵn sàng chiều họ "tới bến".

Các quán bar, hộp đêm như vậy cũng trở thành mắt xích yếu trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 của Nhật Bản, đồng thời thể hiện thách thức đối với một chính phủ ngần ngại áp lệnh phong tỏa để kiềm chế virus, khi tìm cách giảm thiểu tổn thương do nCoV gây ra với nền kinh tế.

Nhật Bản ban đầu gặp khó trước nCoV do thiếu năng lực xét nghiệm và cũng như thực tế rằng các công ty, phòng thí nghiệm tư nhân không được phép tham gia quá trình sàng lọc người nhiễm.

Vì thế, đội kiểm soát Covid-19 do giáo sư Hitoshi Oshitani từ Đại học Tohoku dẫn đầu đặt cược vào cách tiếp cận khoanh vùng từng cụm lây nhiễm. Chiến lược này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu cho thấy phần lớn người nhiễm nCoV không lây cho người xung quanh. Thay vào đó, chỉ có một nhóm thiểu số đóng vai trò như những "nguồn siêu lây nhiễm" phát tán virus tại các không gian kín, đông đúc.

Chiến lược trên ban đầu có vẻ thành công. Chạy đua với thời gian để khoanh vùng các cụm dịch, đội kiểm soát đã ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm đầu tiên từ Trung Quốc và du thuyền Diamond Princess hồi tháng hai mà chỉ gây ra rất ít xáo trộn trong xã hội.

Nhưng sau đó, phương pháp này bắt đầu bộ bộc lộ điểm yếu khi một làn sóng lây nhiễm mới ập tới Nhật Bản từ châu Âu và Mỹ trước lúc các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn được áp dụng.

Giữa tháng trước, chìm trong cảm giác an toàn giả tạo bởi số ca nhiễm thấp kết hợp với khát khao nhanh chóng khôi phục cuộc sống bình thường, chính phủ Nhật Bản đề xuất mở cửa trở lại trường học ở những khu vực ít bị ảnh hưởng.

Ngày 21/3, Nhật Bản bắt đầu kỳ nghỉ cuối tuần ba ngày đón mùa xuân. Mặt trời chiếu sáng rạng rỡ, hoa anh đào đang kỳ nở rộ và người dân Tokyo đổ đến các công viên ngắm hoa hay tập trung ở nhà hàng, quán bar để thư giãn.

Trong khi phần lớn thế giới đang phong tỏa, cảnh tượng đám đông chen chúc ngắm hoa anh đào tại công viên Nhật có lẽ khiến nhiều người không tin vào mắt mình. Không lâu sau, Nhật Bản đã phải trả giá.

Các cụm lây nhiễm mới xuất hiện, tại một quán bar tụ tập hơn 300 sinh viên ở thành phố Sendai, phía đông bắc Nhật Bản, tại một hộp đêm ở quận Shibuya, Tokyo cùng nhiều nhà hàng, quán bar ở những nơi khác.

Ngày 28/3, Hiroshi Nishiura, đồng nghiệp của Oshitani, thúc giục chính quyền Tokyo có hành động quyết liệt hơn. Hai ngày sau, Thống đốc Yuriko Koike yêu cầu người dân hạn chế tới các phòng karaoke, địa điểm hòa nhạc, quán bar, hộp đêm.

"Chúng tôi xin lỗi vì yêu cầu bất tiện này", Nishiura nói trong một cuộc họp báo, giải thích rằng 30% ca nhiễm mới đến từ các tụ điểm ăn chơi về đêm. "Rất nhiều người nhiễm không chia sẻ đủ thông tin chi tiết".

Phương pháp tiếp cận theo cụm dịch trở nên quá tải khi virus lây lan nhanh ở Tokyo và số ca nhiễm không thể truy dấu tăng vọt. Thực tế cho thấy Nhật Bản cần thay đổi chiến lược và chính phủ cần nhanh chóng tăng cường năng lực xét nghiệm.

"Đây là một vấn đề rõ ràng", Oshitani nói trên kênh NHK. "Các trung tâm xét nghiệm không được thiết lập đủ nhanh và hiệu quả. Tôi tin điều này dẫn tới tình hình hiện nay".

Theo Oshitani, Nhật Bản "đang đứng bên bờ vực thảm họa", đối mặt với nguy cơ sụp đổ của hệ thống y tế.

Dù vậy, cuộc sống về đêm ở Tokyo vẫn tiếp diễn. Chủ nghĩa ngoại lệ đã bén rễ ở Nhật Bản. Người dân tin rằng số ca nhiễm chỉ ở mức thấp bởi người dân vẫn tích cực đeo khẩu trang, hiếm khi bắt tay và không đi giày trong nhà.

Trong khi đó, chính phủ và bộ máy quan liêu không chịu thừa nhận chiến lược chống dịch ban đầu đã thất bại.

"Xét về truyền thống lẫn lịch sử, Nhật Bản không giỏi trong việc thay đổi chiến lược", Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, nhận định. "Khi bắt đầu một chiến lược và phải chuyển sang kế hoạch B, chúng ta thường thực hiện rất kém hay thậm chí còn không nghĩ tới kế hoạch B, bởi kế hoạch B là sự thừa nhận thất bại của kế hoạch A".

"Rất nhiều người chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các quan chức, thực sự không thích nói về thất bại", ông nhấn mạnh.

Một điểm ngắm hoa anh đào nởMột điểm ngắm hoa anh đào nở ở công viên Ueno, Nhật Bản, ngày 28/3. Ảnh: AFP.

Một điểm ngắm hoa anh đào nở ở công viên Ueno, Nhật Bản, ngày 28/3. Ảnh: AFP.

Không lâu sau, Hiệp hội Y khoa Nhật Bản cảnh báo rằng hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ. Hiệp hội Y học Chăm sóc Chuyên sâu cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng giường chăm sóc đặc biệt và y tá.

Ngày 7/4, chính phủ mới bắt đầu hành động. Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng trên 7 trong 47 tỉnh của Nhật Bản. Đến ngày 16/4, ông mở rộng tình trạng khẩn cấp sang cả nước.

Nhưng các biện pháp được đưa ra vẫn chưa đồng bộ. Hộp đêm được yêu cầu đóng cửa, trong khi quán bar và nhà hàng vẫn được phép hoạt động đến 20h.

Không phải tất cả mọi người đều rút ra được bài học. Ngày 9/4, nghị sĩ đối lập Takashi Takai tới một quán bar khiêu dâm ở quận Kabuchiko thuộc Tokyo. Bị truyền thông phanh phui, ông từ chức.

Đến nay, lượng người sử dụng hệ thống tàu điện ngầm đã giảm 60-70%. Số người đến các tụ điểm đông đúc cũng giảm với mức tương ứng. Tuy nhiên, mục tiêu chính phủ đề ra là giảm 80% tương tác xã hội dường như vẫn chưa đạt được.

Số ca nhiễm mới mỗi ngày không còn dao động nhiều nhưng chưa giảm mạnh như kỳ vọng và nỗi lo âu đang ngày một tăng cao rằng chính phủ sẽ không thể gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 6/5 như dự kiến.

Tuần trước, Thủ tướng Abe còn yêu cầu người dân Nhật Bản "xem xét lại hành vi của mình".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục