Miền thuốc quý ở Tân Thành

Xã Tân Thành (Hàm Yên) nằm bên bờ tả sông Lô. Đây là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Dao. Người dân quanh năm lao động cần cù, chăm chỉ. Cùng với việc trồng lúa, trồng ngô nhiều người còn hành nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người.

 

Ở Tân Thành có các thôn Thuốc Hạ và Thuốc Thượng. Xưa kia là nơi thuyền bè neo đậu, mua bán các loại thuốc quý như: sa nhân, mộc nhĩ, nấm hương, nhung hươu, mật gấu, huyết lình, sơn thục, tầm gửi, mật ong...

Ngoài địa danh Thuốc Hạ, Thuốc Thượng xưa kia còn có thêm địa danh Bến Thuốc, đây là khu vực buôn bán, trao đổi các loại thuốc. Tương truyền, đây là xứ sở của người đẹp và phong cảnh đẹp, thiên nhiên giàu sức sống. Trong đó, có nguồn thuốc thiên nhiên đầy bí ẩn làm nên một tiềm năng quý giá của miền sơn cước.


Thuốc nam ở Tân Thành (Hàm Yên) được bày bán tại các hội chợ. (Trong ảnh: Chị Phương Thị Lai,
thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành đang giới thiệu về bài thuốc của gia đình).

Bà Triệu Mùi Nái, dân tộc Dao, thôn 4 Thuốc Hạ, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Từ các bài thuốc quý gia truyền của dân tộc truyền lại, bà biết bốc các loại thuốc trị bệnh như: Đau lưng, gãy xương... đặc biệt có nhiều bài thuốc trị bệnh hiếm muộn, dưỡng thai, lá thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh... Bà cho biết, nguồn thuốc được lấy từ lá cây trên rừng. Ngày trước một trong những trò chơi của trẻ con trong làng là đố nhau các loại thuốc lá. Nhỏ tuổi thì thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng rồi gọi tên. Lên 8 - 9 tuổi đã theo người lớn đi cắt lá đem về chế biến rồi bán. Những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức và trở thành những vốn kiến thức phong phú. Tuy nhiên theo bà, để trở thành người bốc thuốc thành thạo thì phải hiểu cặn kẽ, gốc tích như: công dụng, cách hái, cách chế biến từng cây thuốc. Bởi vì, có cây thuốc ban ngày uống thì lành, uống ban đêm thì độc, uống trời mưa thì tốt, uống trời nắng thì đau. Có cây chỉ phát huy tác dụng khi hái về đêm.

Ông Phàn Văn Hin, thôn 5 Thuốc Thượng cho biết, người xưa có tục làm lễ tạ cây thuốc vào ngày 7 tháng Giêng. Người được thầy thuốc cứu sống, không trả tiền bạc mà nhận thầy thuốc làm anh em, phải làm lễ tạ cây thuốc. Người không mắc chứng trộm cắp, đánh bạc, đánh người mới được bốc thuốc. Con dâu, con rể hiếu thảo và bệnh nhân có tâm cũng được truyền cây thuốc. Nay nhiều cây thuốc trong rừng ngày càng khan hiếm, cho nên người dân đều nhổ lấy một nhánh nhỏ về trồng. Thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ tốt tươi thế nên nhiều cây thuốc sinh trưởng rất nhanh, nhiều nhà cây thuốc mọc lên xung quanh vườn tược, bờ ao. Nhiều thang thuốc khi cần chẳng phải vào rừng hái nữa.

Bác sỹ Từ Quang Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Thành chia sẻ, hiện nay, những bài thuốc quý của đồng bào Tày, Dao nơi đây vẫn đang được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trạm Y tế xã đã tiến hành nghiên cứu để áp dụng bài thuốc quý vào thực tiễn.

Tiềm năng vùng đất Tân Thành là rất lớn, cây thuốc thiên nhiên vẫn còn nhiều bí ẩn với chúng ta. Nhiều bài thuốc đã trả lại sinh mệnh và sức khỏe cho con người. Ứng xử tốt đẹp với cỏ cây miền sơn cước thì ân huệ thiên nhiên sẽ đến với chúng ta.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục