Sức bật bản Dao Đèo Ảng

Thấp thoáng những ngôi nhà xây 2 tầng, nhà sàn lợp tôn mờ ảo dưới sương mù của những ngày chớm đông hòa với màu xanh của mía, của rừng xen lẫn màu vàng của những trái cam vinh đang chín rộ. Len lỏi dưới những vườn cam, đồi cây, những chú gà trống thiến lông óng mượt mải mê tìm mồi. Bản người Dao Đèo Ảng, xã Bình Xa (Hàm Yên) hiện ra như bức tranh làng quê trù phú, yên bình dưới chân dãy núi Cham Chu.

Đảng viên nêu gương

Ở Chi bộ thôn Đèo Ảng, việc sinh hoạt thường xuyên được chú trọng. Ngoài việc duy trì đều đặn về thời gian, nội dung sinh hoạt được cấp ủy mà đứng đầu là bí thư chi bộ chuẩn bị kỹ lưỡng tập trung vào những vấn đề thiết thực ở thôn nên đã phát huy được vai trò của đảng viên trong việc làm gương để nhân dân tin tưởng. Bí thư Chi bộ Lý Thị Hằng, năm nay mới 35 tuổi đã gánh vác trách nhiệm người đứng đầu từ 4 năm nay. Để đảm đương được nhiệm vụ, chị Hằng đã bỏ nhiều thời gian dày công học hỏi, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy điểm mạnh của từng đảng viên. Chị Hằng bảo, trước đây đời sống của người Dao ở đây khó khăn nhất xã. Vì ở riêng biệt một khu trên cao, khó khăn nhất là đường giao thông. Mấy năm trước chưa có đường bê tông, trời mưa thì gần như chia cắt hoàn toàn với các thôn khác, chỉ đi bộ mới lên được Đèo Ảng. Khi xã Bình Xa triển làm đường bê tông nông thôn theo Chương trình 135 tại thôn, chị Hằng đã vận động người dân góp công san mặt bằng đường cùng đơn vị thi công làm đường, vận động người dân hiến đất mở đường, nắn đường để đảm bảo mặt đường cho đơn vị thi công làm thuận lợi. Vì thế, hơn 3 km đường giao thông trong thôn được mở rộng 3 m, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Năm 2019, khi thôn làm 2 đoạn tuyến đường vào khu sản xuất hàng hóa dài trên 700 m, chị Hằng vận động gia đình em trai là Lý Văn Quynh hiến trên 300 m2 mở đường rộng đủ 3 m, đồng thời vận động hộ anh Bàn Văn Đức hiến 300 m2 đất và vận động các hộ dân có vườn đồi ở dọc tuyến đường đóng góp với tổng tiền làm 2 tuyến đường lên tới hơn 120 triệu đồng.


Bí thư Chi bộ Đèo Ảng Lý Thị Hằng (bên trái) giới thiệu mô hình mía đạt trên 100 tấn/ha của thôn.

Nói về việc trồng rừng, trồng mía ở Đèo Ảng, Bí thư Hằng kể rằng, cách đây 3 năm khi xã triển khai trồng mía, 9 đảng viên trong chi bộ là những người tiên phong trồng trước, sau đó mới vận động nhân dân trồng theo. Đảng viên cao tuổi nhất của chi bộ là ông Lý Văn Toàn vừa là người có uy tín, vừa là trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn đã tiên phong trồng 3 ha mía trên đất vườn đồi. Sau một năm cây mía cho thu hoạch đạt 100 tấn/ha, đã đem lại cho ông Toàn nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vậy là người dân đã theo ông Toàn chuyển đổi diện tích đất vườn trồng sắn sang trồng mía với diện tích đạt 30 ha toàn thôn. Ông Toàn bảo: “Muốn người dân tin mình thì mình làm trước, không gì bằng thực tiễn mắt thấy, tai nghe”. Cây mía đã thực sự đem lại cuộc sống mới cho nhiều hộ dân ở đây vì hợp với thổ nhưỡng, có những thửa đất năng suất mía lên tới 120 tấn/ha. 

Hay đơn cử như việc phát triển trồng rừng sản xuất thay thế cây sắn cũng vậy, đảng viên cũng đi đầu, điển hình là đảng viên Lý Văn Khang đã chuyển 2 ha đất trồng sắn, ngô sang trồng keo, chăm sóc tốt, sau 2 năm cây keo lớn nhanh hứa hẹn nguồn lợi kinh tế khả quan. Người dân trong thôn thấy vậy cũng theo anh bỏ hết sắn trồng keo với diện tích gần 40 ha. Hiện giờ, thôn không còn đất canh tác sắn hoặc bỏ hoang hóa.  

Người dân nỗ lực 

Đến Đèo Ảng vào một ngày đầu tháng 12, hình ảnh ấn tượng đối với chúng tôi là các tuyến đường đất nhỏ hẹp trước kia giờ đã được mở rộng, đổ bê tông. Chị Lý Thị Hằng, Bí thư Chi bộ bảo, thôn có 50 hộ là người Dao. Trong thôn chủ yếu là nhà xây mái bằng và nhà cấp 4, không còn nhà dột, nát. Ngoài cấy lúa và trồng các loại cây ăn quả, trồng mía, trồng rừng, người dân trong thôn còn nuôi gà trống thiến, làm thêm nhiều nghề phụ khác để tăng thêm thu nhập... Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người ở thôn đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 16 triệu đồng so với năm 2015; hơn 96% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Hiện thôn còn 8 hộ nghèo.

Từ 2016 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn đã gắn việc tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; tập trung vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng; mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất... Đến nay, cả thôn có 30 ha mía, trên 40 ha rừng, 4 ha cây ăn quả cam, bưởi, chuối tây... Mỗi năm, các hộ đều có nguồn thu nhập từ 30 đến 200 triệu đồng. Chị Lý Thị Huệ phấn khởi cho hay: Cuộc sống người dân ở đây đã đổi thay rất nhiều, đường bê tông vào tận cổng nhà, nông sản được thương lái đánh xe ô tô lên tận nơi mua, giá cả không bị ép như trước nữa. Gia đình ngoài cấy lúa, trồng mía, trồng cam vinh còn nuôi gà trống thiến theo hướng hàng hóa, con gà được coi là đặc sản của bản Dao Đèo Ảng từ trước đến nay. Với số lượng duy trì trên 100 con một lứa, với giá bán 150 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình chị cũng thu được từ 50 - 70 triệu đồng tiền bán gà. Kinh tế phát triển, gia đình đã có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua được các tiện nghi sinh hoạt khác và đầu tư cho các cháu được học hành.

Kinh tế phát triển, đời sống của người Dao vùng thôn 135 ngày càng được nâng cao, bà con trong xóm đã tích cực đóng góp tiền và hiến đất làm đường. Ông Lý Văn Hùng đã ủng hộ 24 triệu đồng đóng góp cùng với một số hộ dân mua cát sỏi đổ tuyến đường bê tông hơn 300 m vào khu sản xuất hàng hóa giãi bày: “Bỏ ngần này tiền cũng tiếc lắm!. Nhưng nếu không cố gắng một chút thì xe không vào chở mía được, đi lại ngày nắng còn ngày mưa khó lắm. Nghĩ đến việc lâu dài, nên tôi đã vận động gia đình gắng sức làm”. Làm được tuyến đường này gia đình ông Bàn Văn Đức đã hiến gần 300 m2 đất mới mở rộng được đường đủ tiêu chuẩn 3 m.  

Không chỉ động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, tham gia đóng góp tiền của, công sức xây dựng đường bê tông, cấp ủy chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn còn vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng gia đình hạnh phúc; tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, sống và làm việc theo pháp luật, tích cực phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nhiều năm liền thôn đều đạt danh hiệu thôn văn hóa.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục