Hàm Yên trồng cam trên đất chu kỳ II

Trồng cam trên đất chu kỳ II được huyện Hàm Yên bắt đầu thử nghiệm từ năm 2009. Sau khi đánh giá, việc đưa cây cam trồng lại ở diện tích đất này đã được huyện khuyến khích nhân dân thực hiện, trên cơ sở ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như duy trì diện tích trồng cam mà huyện đã được quy hoạch.

Mô hìnhtrồng cam trên đất chu kỳ II củagia đình ông Nguyễn Văn Nhượng

thôn Làng Vai xã Minh Dân,huyện Hàm Yên.

 

Sau 10 năm trồng cam chu kỳ I, gia đình ông Nguyễn Văn Nhượng ở thôn Làng Vai xã Minh Dân nhận thấy đất đã bạc màu nên không trồng lại. Năm 2009, ông đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng cam sành trên đất chu kỳ II do trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thử nghiệm với 600 gốc. Đến năm thứ 3, diện tích cam đã bắt đầu cho thu hoạch và đem lại nguồn thu nhập hàng năm cho gia đình ông từ đó đến nay. Ông Nhượng khẳng định, việc trồng cam trên đất chu kỳ II hoàn toàn thực hiện được. Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tốt thì năng suất cam còn có thể cao hơn so với trồng chu kỳ I. Hiện gia đình ông đã lấy thêm 200 cây giống để tiếp tục trồng thêm 1 ha trên đất chu kỳ II.


Để đảm bảo diện tích trồng cam đúng quy hoạch theo Đề án Phát triển vùng sản xuất Cam sành tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2014-2020), bên cạnh việc truyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích, trồng mới theo khu vực đã được quy hoạch, huyện Hàm Yên đã và đang phối hợp thực hiện các bước nghiên cứu, thử nghiệm để đưa cây cam trồng trở lại trên đất chu kỳ II, bởi khi hết chu kỳ I, đất đã bạc màu và khó cải tạo. Theo đó, Trung tâm cây ăn quả huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trồng thử nghiệm một số giống cam mới như BH32, cam sành không hạt, cam mật không hạt… vừa để theo dõi sự thích ứng của giống trên đất chu kỳ II vừa để bổ sung cơ cấu giống phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cùng với việc chủ động sản xuất giống cam sành sạch bệnh tại hệ thống nhà lưới, Trung tâm cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón, khả năng chống chịu bệnh, phòng trừ sâu hại cho cam. Đến năm 2015, sau khi đánh giá các mô hình nghiên cứu thử nghiệm có thể khẳng định, việc trồng cam trên đất chu kỳ II là khả quan. Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cam đóng vai trò quan trọng.


Tính đến thời điểm hiện nay, trong hơn 4.880 ha diện tích cam sành phát triển được của huyện Hàm Yên thì có trên 430 ha được trồng trên đất chu kỳ II, tập trung nhiều ở các xã Phù Lưu, Minh Dân, Yên Lâm, Bạch Xa. Cùng với việc khuyến khích người dân tiếp tục trồng cam trên đất chu kỳ II để duy trì vùng sản xuất cam sành hàng hóa, các cơ quan chuyên môn của huyện Hàm Yên cũng chú trọng bám sát địa bàn, thực hiện các quy trình hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất cam chất lượng cao theo hướng VietGap. Từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả của diện tích đất này.


Việc phát triển cam trên đất chu kỳ II sẽ giúp huyện Hàm Yên đảm bảo duy trì được diện tích trồng cam theo quy hoạch của huyện, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho người dân./.

 

Theo: TTV

Tin cùng chuyên mục