Nâng cao giá trị Cam Sành Hàm Yên

Thương hiệu Cam Sành Hàm Yên nổi tiếng đã từ lâu. Để giữ vững thương hiệu này, những năm gần đây, người trồng cam Hàm Yên đã tập trung trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cam.

Sản phẩm nông nghiệp sạch

Toàn huyện hiện có 4 trang trại, nhóm hộ sản xuất cam theo hướng VietGAP với diện tích 30,7 ha tại các xã Yên Phú, Tân Thành, Phù Lưu. Các hộ thực hiện trồng cam theo hướng VietGAP được nhà nước hỗ trợ 399 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Hậu, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hàm Yên cho hay, cây cam được áp dụng theo quy trình VietGAP có năng suất tăng từ 1 - 1,5 lần, hiệu quả kinh tế tăng từ 25 - 30% và được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2015, Trạm thực hiện mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại 21 hộ trồng cam thuộc xã Tân Thành và Yên Phú. Bà con rất vui mừng bởi khi tham gia các thành viên trong tổ có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng nâng cao giá trị sản xuất cam. 

Ông Hoàng Văn Áo, Tổ trưởng tổ sản xuất cam VietGAP, thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành bày tỏ, tham gia mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, 17 hộ gia đình trong tổ đã được hỗ trợ một phần vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cam theo quy trình VietGAP, nên diện tích cam của các hộ sinh trưởng và phát triển tốt hơn, số lượng và chất lượng quả cũng cao hơn. Ông ước tính, năng suất trung bình đạt trên 20 tấn/ha, cao hơn 13% so với những năm trước. 


Vườn cam của gia đình anh Nông Văn Tuấn (bên phải), thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Cách xã Tân Thành 11 km là xã Phù Lưu, một trong những xã trọng điểm về phát triển cam sành của huyện. Anh Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, hiện xã có trên 1.200 hộ trồng hơn 1.800 ha cam sành, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 1.400 ha. Theo dự tính vụ cam năm nay sản lượng ước đạt từ 20 đến 25 nghìn tấn quả, cao hơn năm trước vài nghìn tấn.

Riêng năm 2016, xã được Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thực hiện, hướng dẫn, tập huấn cho 2 tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm 11 hộ với 54,9 ha tại 2 thôn Bản Ban và Thôm Táu. Không chỉ có vậy, nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều hộ trồng cam trong xã giờ đây cũng rất chú trọng việc trồng, chăm sóc và bảo quản cam đảm bảo an toàn vệ sinh. 

Trang trại trồng cam của gia đình anh Nình Văn Hòa, thôn Pá Han có hơn 1.500 gốc cam được anh Hòa chăm sóc theo hướng an toàn. Anh Hòa dự tính, vụ cam năm nay sẽ cho gia đình anh thu chừng trên 100 tấn quả, với giá 8.000 - 9.500 đồng/kg bán buôn, thì trừ các khoản chi phí, gia đình anh có nguồn thu trên 800 triệu đồng là chắc chắn. 

Phát triển vùng trồng cam hàng hóa

Hàm Yên hiện có 5.008,4 ha cam, trong đó cam kiến thiết cơ bản trên 1.486 ha, cam kinh doanh 3.395ha, trên 90% diện tích cam được trồng theo hướng an toàn. Vụ cam năm 2016, năng suất ước đạt 150 tạ/ha, sản lượng ước đạt 50.925 tấn, tăng so với năm 2015 trên 7.000 tấn. Tổng thu nhập ước đạt 510 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 10% diện tích cam cho thu hoạch. Nhằm tiếp tục giữ vững thương hiệu Cam Sành Hàm Yên, mở rộng phát triển thành vùng sản xuất cam hàng hóa, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con nông dân đã đồng lòng, chung sức vào cuộc.

Theo ông Vũ Đình Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hàm Yên đã xây dựng Chương trình hành động số 06-CTr/HU, ngày 8-7-2016.

Trong đó đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân trên 7,2%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất hàng hóa cây trồng, vật nuôi chủ lực chiếm 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, đưa giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2015. 

Riêng đối với cây cam, huyện tập trung thâm canh, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cam sành trên 7.000 ha thuộc địa bàn 13 xã và thị trấn, trong đó có 700 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, tuyển chọn, tạo bộ giống cam chất lượng tốt và thu hoạch rải vụ; nâng cao năng lực sản xuất giống cam sạch bệnh, ứng dụng kỹ thuật canh tác cam trên đất dốc hiệu quả.

Huyện phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã; thực hiện tốt việc dự báo, thông tin thị trường, sản xuất, lưu thông, định hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tập trung mở rộng và phát triển thị trường tiềm năng tại các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm cam sành Hàm Yên có mặt và chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng sẽ được huyện tăng cường.

UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai Nghị quyết số 10/2014 NQ-HĐND, ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại  trên địa bàn tỉnh. Kết quả, toàn huyện có 46 trang trại trồng cam được vay vốn, với trên 16 tỷ đồng để đầu tư tổ chức sản xuất tại các xã Phù Lưu, Yên Phú, Bạch Xa.

Thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đối với cây cam sành theo tinh thần Nghị quyết số 12/2014 NQ-HĐND, ngày 22-7-2014  của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn huyện có 76 hộ trồng cam với tổng diện tích 94,55 ha được vay vốn, số tiền cho vay trên 2,2 tỷ đồng.

Nhằm tạo đầu mối thu mua, trung chuyển sản phẩm cam sành của nhân dân các xã vùng cam của huyện với doanh nghiệp, thương nhân, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế chợ đầu mối cam sành tại xã Tân Thành. Đến nay cơ bản đã xong mặt bằng 95%, đơn vị thi công đang tiến hành đổ cống thoát nước và bê tông mặt bằng tạo thuận lợi cho xe ra vào chợ.

Về sản xuất giống cam và quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, Trung tâm cây ăn quả huyện đã liên kết với Viện Bảo vệ thực vật sản xuất 10.000 cây giống cung ứng cây cam sạch bệnh cho các xã trong vùng quy hoạch, trong đó đã xuất cho xã Minh Hương 5.000 cây. Đồng thời, phân công cán bộ của trung tâm tiếp tục chăm sóc số cây con, số cây đã ghép và số cây đủ tiêu chuẩn để xuất vườn.

Các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về tác dụng của việc sử dụng giống cam sạch bệnh; triển khai ký cam kết sản xuất cam an toàn trên địa bàn các xã vùng cam đến 100% các hộ trồng cam; hướng dẫn người dân thu gom vỏ bao phân bón, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để tiêu hủy hoặc để trong bể chứa theo đúng quy định.

Với những giải pháp cụ thể, trong tương lai việc phát triển vùng cam hàng hóa sẽ không chỉ giúp cho người trồng cam trên địa bàn huyện có một điểm tựa vững chắc để làm giàu chính đáng, mà còn là cơ hội để sản phẩm mang thương hiệu Cam Sành Hàm Yên vươn rộng ra nhiều thị trường trong nước và ngoài nước. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục