Chính phủ sẽ nỗ lực để trình dự án Luật Khám chữa bệnh tại kỳ họp bất thường của Quốc hội

Sáng 14/12, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
A1 - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến định hướng cũng như những nội dung cụ thể trong quá trình xây dựng, bổ sung, hoàn thiện dự án luật - Ảnh: VGP/ĐH

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, thống nhất chưa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành y tế.

Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã tích cực, chủ động họp bàn, thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu chỉnh lý hiện có bố cục gồm 12 chương, 123 điều. 

Dự thảo Luật có sự tiếp thu và cải thiện chất lượng rõ rệt

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế trong việc kịp thời nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, đầy đủ đối với những vấn đề rộng và phức tạp của dự thảo Luật; đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để kịp thời trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường sắp tới. 

"Tôi đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Dự thảo Luật trình lần này đã có sự tiếp thu và cải thiện chất lượng rõ rệt…", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu và nhấn mạnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến định hướng cũng như nội dung cụ thể trong quá trình xây dựng, bổ sung, hoàn thiện dự án luật đã được đề cập. 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu dự luật được trình sớm và được thông qua thì các cơ quan sẽ có thêm thời gian để rà soát, xây dựng và ban hành các nghị định, các văn bản hướng dẫn.

Đề cập các vấn đề cụ thể, các thành viên Ủy ban Xã hội tập trung cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự án luật liên quan đến quy định đến chức danh chuyên môn; Hội đồng Y khoa quốc gia; cơ chế quản lý tài sản trong khám, chữa bệnh; giá dịch vụ y tế; giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh;…

Về Điều 20 trong dự thảo luật giao Chính phủ thẩm quyền quyết định bổ sung chức danh chuyên môn, điều kiện, thẩm quyền cấp giấy phép, thu hồi giấy phép đối với các chức danh chuyên môn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với nguyên tắc giao Chính phủ quy định nhưng cho rằng các chức danh chuyên môn hành nghề khám, chữa bệnh là vấn đề rất quan trọng liên quan đến bảo vệ tính mạng, sức khỏe, vì thế cần có một quy trình chặt chẽ hơn nữa. 

Bên cạnh đó, về quy định tại Điều 24 liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, ông Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cần giải trình chi tiết, quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Đồng thời, đề nghị báo cáo giải trình cũng cụ thể hơn về nội dung tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến cơ chế quản lý tài sản trong khám, chữa bệnh.

Về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, làm rõ mô hình, quy định về việc thành lập, ai thành lập… 

"Một tổ chức quyết định sinh mạng hàng vạn người thì việc hành nghề về lĩnh vực phải thật rõ ràng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tiếp cận theo hướng quy định giá dịch vụ y gồm những gì; phải tính đúng, tính đủ; nhà nước, cụ thể là Chính phủ hay Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ về khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. 

A1 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết nếu đảm bảo yêu cầu, đủ điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp bất thường tới đây - Ảnh: VGP/ĐH

Về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Chương 10 dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn là vấn đề lớn. 

Vấn đề quan tâm nhất là khái niệm về cấp chuyên môn kỹ thuật và mối quan hệ giữa các cấp, cách thức đảm bảo điều kiện hoạt động của các cấp này và hiện dự thảo Luật quy định chưa rõ, cần được tiếp tục rà soát, làm rõ...

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, qua rà soát dự thảo luật còn tới hơn 40 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết; một số nội dung giao cho Bộ Y tế cho thấy tính cụ thể hóa, tính chi tiết để thực thi luật ngay sau khi có hiệu lực cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm.

Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một dự án luật lớn, có liên quan trực tiếp đến người dân, có nhiều ý kiến khác nhau và Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan triển khai, hoàn hiện rất kỹ đối với các nội dung của dự án Luật này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ sẽ cố gắng chuẩn bị để trình được dự án Luật này ở kỳ họp bất thường sắp tới của Quốc hội. Qua đó, sẽ có nhiều thời gian xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn…

A1 - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ sẽ cố gắng chuẩn bị để trình được dự án Luật ở kỳ họp bất thường sắp tới của Quốc hội - Ảnh: VGP/ĐH

Nếu đảm bảo yêu cầu, nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường

Sau nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ UBTVQH đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, chủ động phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Xã hội, Chính phủ, Bộ Y tế trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đây là dự án Luật được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm. Quá trình chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật đã được thống nhất, quy định cụ thể, nhiều vấn đề quan trọng đã được bổ sung vào dự thảo Luật.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của UBTVQH tại phiên họp này, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, tiếp tục hoàn thiện dự án luật. 

Nếu đảm bảo yêu cầu, đủ điều kiện thì UBTVQH nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 tới đây./.

Theo: chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục