Mỹ có thể chuyển tên lửa tầm xa chứa đạn chùm cho Ukraine

Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden sắp phê duyệt chuyển tên lửa tầm xa hoặc rocket chứa đạn chùm phóng từ HIMARS cho Ukraine.

 

Ba quan chức Mỹ ngày 11/9 tiết lộ giới chức nước này đang xem xét viện trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) chứa đạn chùm, Hệ thống Rocket Phóng loạt Dẫn đường (GMLRS) chứa đạn chùm hoặc cả hai loại đạn nói trên cho Ukraine.

Một quan chức Mỹ nhận định tên lửa ATACMS hoặc rocket GMLRS chứa đạn con, có thể phóng từ pháo phản lực HIMARS hoặc MLRS, "không chỉ nâng cao tinh thần cho binh sĩ Ukraine mà còn mang lại động lực chiến thuật cho họ".

Theo hai nguồn tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine vào thời điểm quan trọng trong bối cảnh chiến dịch phản công của họ "có dấu hiệu tiến bộ".

4 quan chức Mỹ cho biết nước này có thể rút tên lửa và rocket chứa đạn con từ kho dự trữ của quân đội. Tuy nhiên, họ khẳng định giới chức Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng và có khả năng không duyệt chuyển loại tên lửa hoặc rocket nói trên cho Ukraine.

Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin trên.

Tên lửa ATACMS rời bệ phóng trong diễn tập tại Delamere, Australia ngày 26/7. Ảnh: US Army

Tên lửa ATACMS rời bệ phóng trong diễn tập tại Delamere, Australia ngày 26/7. Ảnh: US Army

Đạn chùm dành cho pháo 155 mm mà Mỹ chuyển cho Ukraine có tầm bắn tối đa 45 km và chứa 48 quả đạn con. Rocket GMLRS với tầm bắn khoảng 70-80 km chứa 404 quả đạn con, còn tên lửa ATACMS có thể đánh trúng mục tiêu cách vị trí khai hỏa 300 km và mang theo trên 300 quả đạn con.

Lục quân Mỹ cho biết tên lửa ATACMS được thiết kế "để tập kích lực lượng tuyến hai của đối phương", có thể tấn công sở chỉ huy, trận địa phòng không và cơ sở hậu cần phía sau chiến tuyến. Ukraine nhiều lần đề nghị viện trợ tên lửa ATACMS, song Mỹ từ chối do lo ngại làm leo thang xung đột.

Đạn chùm không gây sát thương bằng thuốc nổ hoặc đầu đạn xuyên phá thông thường, mà chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu. Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện rộng, hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường.

Một số quả đạn con có thể gặp trục trặc với ngòi nổ, khiến chúng không kích hoạt và rơi rải rác mà không có bất cứ bản đồ đánh dấu nào. Những đạn con này vẫn giữ nguyên cơ chế kích hoạt và có thể phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm.

Hơn 100 quốc gia đã ký Công ước về Bom, Đạn chùm (CCM), trong đó cấm sản xuất, tích trữ, sử dụng và chuyển giao loại vũ khí này. Mỹ, Nga và Ukraine không ký kết CCM.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 16/7 nói Nga có đủ loại đạn chùm trong kho vũ khí và sẽ đáp trả tương ứng nếu Ukraine "dùng loại đạn này tập kích chúng tôi". Tổng thống Putin khi đó khẳng định Nga chưa dùng đạn chùm trong xung đột với Ukraine, bất chấp có lúc gặp khó khăn về nguồn cung đạn dược.

Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự hơn 43,7 tỷ USD cho Ukraine từ khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022. Mỹ ban đầu chuyển vũ khí cá nhân, sau đó viện trợ pháo phản lực HIMARS, tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, thiết giáp hạng nặng M2 Bradley, xe tăng chủ lực M1 Abrams và gần đây cam kết huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục