Ukraine có thể đã yêu cầu Mỹ viện trợ lá chắn tên lửa đạn đạo

Quan chức quốc phòng Ukraine được cho là đã chuyển cho Mỹ danh sách khí tài cần viện trợ, trong đó có lá chắn tên lửa THAAD và tiêm kích F/A-18.

 

Reuters hôm nay tiết lộ các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine đã chuyển cho giới chức chính phủ và lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ "danh sách vũ khí đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine" trong phiên họp kín ở thủ đô Washington hôm 6/12.

Danh sách có nhiều vũ khí từng được Ukraine yêu cầu như xe tăng chủ lực M1 Abrams và pháo cỡ nòng 155 mm, tiêm kích F-16, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine dường như gây bất ngờ khi đề nghị Mỹ viện trợ nhiều khí tài mới gồm Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tiêm kích đa năng F/A-18 Hornet, vận tải cơ hạng nặng C-17 Globemaster III và C-130J Super Hercules, UAV trinh sát MQ-9B Sky Guardian, trực thăng vũ trang AH-64 Apache và trực thăng đa dụng Black Hawk.

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp THAAD của Mỹ. Ảnh: MDA

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp THAAD của Mỹ. Ảnh: MDA

Lầu Năm Góc và đại sứ quán Ukraine tại Mỹ chưa bình luận về thông tin.

THAAD được Mỹ phát triển từ năm 1987 để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối khi chúng đang lao xuống mục tiêu, bổ trợ cho hệ thống phòng không Patriot PAC-3 ở tầm thấp. Đạn đánh chặn của THAAD không chứa thuốc nổ mà sử dụng động năng để diệt tên lửa đối phương, giảm thiểu nguy cơ kích nổ đầu đạn hạt nhân gắn trên đó.

Hệ thống này có độ tin cậy khá thấp trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, nhưng đã dần hoàn thiện. THAAD được quân đội Mỹ vào biên chế năm 2008, hiện được triển khai tại khu vực Thái Bình Dương, Trung Đông và lãnh thổ Hàn Quốc.

Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội Mỹ đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Washington, khi Kiev đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai trong chiến sự.

Trước đây, những gói viện trợ quân sự của Mỹ, được công bố khoảng hai tuần một lần, có giá trị 300-500 triệu USD. Gói gần nhất được công bố ngày 20/11 có trị giá 100 triệu USD, cùng các gói viện trợ quy mô nhỏ gần đây, đến từ số tiền phát hiện sau lỗi hạch toán của Lầu Năm Góc.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục