Ngăn chặn nguy cơ bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Từ giữa tháng 10 đến nay, lần đầu tiên xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên gia súc tại tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Đây là bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tại tỉnh ta tính đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò nhiễm bệnh, tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhiễm, lây lan rất cao do việc vận chuyển, giết mổ gia súc dịp cuối năm.

 

Thông tin từ Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; do vận chuyển trâu, bò mang bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực ăn... Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày với các triệu chứng chính như sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi nốt sần có đường kính 2 - 5 cm. Hiện nay, trên thế giới đã có vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Ông Trường Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò sạch Hàm Yên
kiểm tra đàn trâu, bò của các thành viên.

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh khoảng 136 nghìn con, trong đó chuỗi trâu, bò thịt đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nhiều địa phương. Do vậy, việc chủ động phòng, chống ngăn ngừa các nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục cần phải được đặt ra.

Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, môi trường chăn nuôi của tỉnh đã bị nhiễm bệnh, hiện tại một số dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả chưa được kiểm soát triệt để; nhiệt độ xuống thấp, nguồn thức ăn khan hiếm; nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, trong đó có trâu, bò tăng cao. Đồng thời vào dịp cuối năm là nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, đặc biệt là đối với các loại bệnh do vi rút gây ra. Hơn nữa, chuỗi chăn nuôi trâu, bò đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương, trong khi nguồn giống hoàn toàn nhập từ ngoại tỉnh.

Ngăn chặn dịch bệnh, xâm nhiễm vào địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giúp người chăn nuôi nhận biết dấu hiệu bệnh; áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm vào đàn trâu, bò. Vật trung gian truyền bệnh viêm da nổi cục nhanh nhất, nguy hiểm nhất là ve, bọ, ruồi, muỗi. Người chăn nuôi phải tăng cường vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, diệt côn trùng.

Chuỗi chăn nuôi trâu, bò thịt của Hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò sạch Hàm Yên với quy mô chăn nuôi 300 con/lứa. Người chăn nuôi đang tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, đặc biệt là đối với bệnh viêm da nổi cục. Ông Trương Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm nguồn con giống được HTX nhập tại các trang trại uy tín, đã được chứng nhận sạch bệnh; tăng cường chế độ chăm sóc, tiêm đầy đủ các loại vắc xin tạo hệ miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi. Chất thải, thức ăn thừa của trâu, bò được thành viên hợp tác xã thu gom, xử lý hợp vệ sinh.

Hiện, ngành Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố tiến hành thống kê đàn trâu, bò; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi. Trạm kiểm dịch Thú y tăng cường lực lượng trực 24/24 kiểm soát, kiên quyết không cho phương tiện vận chuyển động vật từ vùng dịch vào địa bàn; chỉ tiếp nhận gia súc rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định; thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục theo hướng dẫn của Cục Thú y...

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục