Ukraine thừa nhận dùng Patriot bắn rơi máy bay trên đất Nga

Ukraine xác nhận phòng không nước này dùng tên lửa Patriot do Mỹ viện trợ bắn rơi 5 trực thăng, chiến đấu cơ trên lãnh thổ Nga hồi tháng 5.

 

"Đó là một chiến dịch xuất sắc do các chỉ huy không quân Ukraine chỉ đạo. Nhờ hành động phá vỡ quy tắc và quyết đoán của họ, các đơn vị Patriot của Ukraine hạ 5 máy bay trong vòng 5 phút ở hướng Bryansk, khi chúng mở đòn không kích nhằm vào khu vực miền bắc Ukraine bằng tên lửa dẫn đường", phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat nói ngày 27/11.

Tuyên bố của ông Ignat xác nhận Ukraine đã sử dụng tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo bắn rơi ba trực thăng Mi-8, một tiêm kích bom Su-34 và một tiêm kích Su-35 tại tỉnh Bryansk của Nga ngày 13/5. Video được blogger Nga chia sẻ khi đó cho thấy một trực thăng bốc cháy trên không, dường như do trúng tên lửa phòng không.

Vị trí tỉnh Bryansk của Nga. Đồ họa: RYV

Vị trí tỉnh Bryansk của Nga. Đồ họa: RYV

Sau sự kiện hồi tháng 5, tổ hợp Patriot của Ukraine tiếp tục hạ một số máy bay Nga khác, buộc Moskva thay đổi chiến thuật không quân. "Một tiêm kích Su-35 bị Patriot bắn hạ trên Biển Đen sau vụ bắn rơi 5 máy bay ở tỉnh Bryansk. Máy bay Nga sau đó dừng hoạt động tại vùng biển này một thời gian do nhận thấy nguy cơ cao", ông Ignat nói.

Chưa rõ lý do ông Ignat tới nay mới xác nhận việc Ukraine dùng tên lửa Patriot bắn rơi máy bay trên lãnh thổ Nga. Ông Ignat hồi tháng 7 từng thông báo về sự kiện, song không đề cập việc Ukraine sử dụng tên lửa Patriot.

Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin của phát ngôn viên không quân Ukraine. Mỹ nhiều lần khẳng định không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước này chế tạo tấn công vào lãnh thổ Nga, do lo ngại căng thẳng leo thang.

Ignat cũng tuyên bố phòng không Ukraine sử dụng tên lửa Patriot hạ "tổng cộng 15 tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal và hàng chục tên lửa đạn đạo Nga đang bay về Kiev". Ông khẳng định "chưa nước nào trên thế giới dùng Patriot hạ được tên lửa Kinzhal, trừ phòng không Ukraine".

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot ở Warsaw, Ba Lan ngày 7/2. Ảnh: Reuters

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot ở Warsaw, Ba Lan ngày 7/2. Ảnh: Reuters

Đức đã chuyển ba tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine sau khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Ukraine còn nhận một tổ hợp Patriot khác từ Mỹ. Một tổ hợp đã bị hư hại trong đòn tập kích bằng tên lửa của Nga rạng sáng 16/5, nhưng Ukraine tuyên bố nó vẫn đảm bảo khả năng chiến đấu.

Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo Patriot không thể giải quyết được mọi vấn đề phòng không của Ukraine.

Một trong những rào cản với hệ thống Patriot triển khai ở Ukraine là chi phí vận hành. Báo cáo hồi năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết mỗi khẩu đội Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó một quả đạn tên lửa có chi phí xuất xưởng khoảng 4-8 triệu USD tùy phiên bản.

Nga gần đây tăng cường dùng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tập kích mục tiêu Ukraine. Giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là nỗ lực nhằm vô hiệu hóa các tổ hợp phòng không của Ukraine, đặc biệt là Patriot, cũng như làm cạn kiệt đạn phòng không khi buộc họ liên tục khai hỏa tên lửa đắt tiền để đối phó với UAV hoặc tên lửa giá rẻ.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục