Chuyển biến trong nếp sống văn hóa ở Hàm Yên

Việc thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở Hàm Yên thời gian qua không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện, mà còn tích cực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

 

Từ các hình thức tuyên truyền, vận động, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những kết quả rõ nét là việc cưới, việc tang đã thực hiện theo nếp sống mới phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Việc tổ chức lễ hỏi, xin dâu, lại mặt… được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; tổ chức ăn uống tiết kiệm, không kéo dài ngày; việc đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện tại UBND xã. Việc tang đã giảm bớt các thủ tục rườm rà, hủ tục, mê tín dị đoan...


Phụ nữ dân tộc Dao Đỏ xã Tân Thành (Hàm Yên) truyền dạy nhau cách làm trang phục truyền thống.

Mô hình đám cưới văn minh tiết kiệm đã được nhiều cặp đôi lựa chọn tổ chức. Vừa qua, đám cưới của cô dâu Trần Như Đoàn và chú rể là Bàn Văn Chúc thôn Phúc Long 2, xã Thành Long được tổ chức theo nếp sống mới. Lễ ăn hỏi và lễ cưới diễn ra cùng một ngày; cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc; đám cưới không kéo dài nhiều ngày, không uống rượu, bia, hút thuốc lá, việc ăn uống chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, nội tộc và bạn bè thân thiết… Anh Chúc chia sẻ, quyết định lựa chọn đám cưới văn minh, tiết kiệm của vợ chồng anh được hai bên gia đình, bạn bè ủng hộ nhiệt tình và đám cưới đã được diễn ra trong không khí rất đầm ấm, đơn giản mà vẫn trang trọng. Với anh giá trị tốt đẹp nhất của một lễ cưới là hạnh phúc bền lâu của đôi vợ chồng trẻ chứ không nằm ở sự xa hoa của tiệc cưới. 

Hùng Đức là xã còn nhiều khó khăn của huyện. Xã có hơn 2.000 hộ với gần 9.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm gần 60% dân số. Từ nhiều năm nay, nghi lễ cấp sắc trong đồng bào người Dao nơi đây đã có sự cải biến phù hợp. Bản sắc gốc được gìn giữ, lưu truyền, song cách làm được thực hiện phù hợp hơn với tâm lý, tình cảm của mọi người trong cộng đồng. Trước đây, việc hành lễ được kéo dài từ 3 - 7 ngày; đến nay, việc hành lễ được thực hiện liên tục, chỉ trong 2 ngày, 1 đêm. Chị Lý Thị Tình, thôn Văn Nham chia sẻ, vừa qua, gia đình chị đã tổ chức lễ cấp sắc cho con trai là Bàn Văn Hai năm nay được 10 tuổi. Việc rút ngắn thời gian làm lễ giúp gia đình tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm sức khỏe mà vẫn giữ gìn được đầy đủ bản sắc, ý nghĩa của phong tục, tập quán của dân tộc.

Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi đã khích lệ tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa. Hiện toàn huyện duy trì 55 câu lạc bộ thể thao và 468 đội thể thao cơ sở với gần 6 nghìn vận động viên; 414 đội văn nghệ hoạt động tích cực với hơn 2 nghìn buổi biểu diễn nghệ thuật. Huyện đã đổi mới cách thức tổ chức các giải thể thao, văn nghệ. Không chỉ tập trung tại trung tâm thị trấn mà các giải được tổ chức tại nhiều cụm xã, để người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham gia. 

Những chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn hóa là một trong những tiêu chí bình xét, công nhận gia đình, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa hàng năm. Năm 2018, huyện có 26.190 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 92,4%; 258 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, chiếm 83,8%. Theo ông Trịnh Hải Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện, để phong trào thực hiện nếp sống văn hóa có sức lan tỏa, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tiếp tục lấy tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa.            

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục