Xuân về trên bản Thài Khao

Từ trung tâm xã, chúng tôi vượt gần 20 km đường dốc núi, xe “bò” lên đỉnh núi rồi lại “lao” xuống dốc... Trong 2 tiếng đồng hồ, người và xe cứ bồng bềnh trong làn sương mù dày đặc, tạo nên một cảm giác phiêu lưu, thú vị. Từ xa, bản Thài Khao, xã Yên Lâm (Hàm Yên) mờ ảo hiện ra thật yên bình.

 

Bản làng với 78 hộ dân, trong đó có 64 hộ dân tộc Dao áo dài và 14 hộ dân tộc Mông sinh sống. Dù đã quá trưa, nhưng những ngôi nhà sàn của người Dao vẫn còn đẫm mình trong làn sương trắng. Theo cách giải thích của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Quyền, “Thài” là “cát” còn “khao” là “trắng”. Tương truyền, từ xa xưa con suối Nắc bao quanh bản làng, vào mùa mưa nước ngập tới hai, ba ngày; khi nước rút để lại những triền cát trắng phủ đầy trên bờ suối và con đường dẫn vào bản. 

Gọi là Thài Khao hay Sài Khao đều được vì đều có nghĩa là vùng cát trắng. Điều đặc biệt đây là vùng giáp biên 2 tỉnh bạn: Xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) và xã Đồng Thành, huyện Bắc Quang (Hà Giang). Cho nên, bà con nơi đây thường xuyên giao lưu, buôn bán ở chợ Mường Lai và chợ Đông Thành, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thoa về văn hóa, kinh tế, làm nên một Thài Khao độc đáo, riêng biệt.


Phụ nữ Dao áo dài chuẩn bị trang phục đón Tết.

Đến Thài Khao vào dịp cuối năm, là lúc thóc lúa đầy bồ, người Dao đang rộn rã sắm sửa để đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc. Bao phủ xung quanh căn nhà sàn của anh Lý Văn Canh là một vườn cây ăn quả với cây nhãn, vải, xoài tươi tốt. Anh vui vẻ cho biết, gia đình đang phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp: Chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng, dịch vụ máy cày, thu nhập đạt 200 triệu đồng/năm. 

Vợ anh là chị Bàn Thị Nhiên đang í ới gọi mấy chị hàng xóm sang nhà mua lá dong. Họ chọn những tấm lá dong xanh ưng ý nhất để về gói bánh. Vào dịp Tết, người Dao gói 2 loại bánh: Bánh chưng đen và bánh “dú pen”. Chị Nhiên giới thiệu, ngày 30 Tết, trên bàn thờ của các gia đình người Dao có rất nhiều thứ, nhưng không được thiếu 2 loại bánh này. Bánh “dú pen” hay còn gọi là bánh bẹp, được làm từ bột gạo rồi đồ xôi lên. Còn bánh chưng đen làm từ gạo nếp trộn với tro của một loại lá cây rừng; nhân bánh làm bằng thịt ba chỉ, với gia vị chính là bột thảo quả. Bánh có hình tròn ống, dài chừng 30 cm, cần khoảng 2 - 3 lạng gạo nếp, nửa lạng thịt và được gói bởi lá cây dong. Bánh chưng đen trở thành món quà quý mà người Dao thường biếu ông bà, cha mẹ, người thân vào dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng bảy.

Bên bếp củi đang đỏ lửa, những viên than hồng như xua đi không khí se lạnh của ngày xuân. Anh Bàn Văn Piển cho biết, từ mấy ngày nay, cả gia đình đã chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ, nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp. Vợ anh đang ra thị trấn mua thêm ít tranh ảnh và câu đối để trang trí. Gia đình anh Piển có 4 nhân khẩu, trong đó có 2 người con đang đi học ngoài thị trấn. Mấy năm nay, 2 vợ chồng mạnh dạn phát triển kinh tế theo mô hình vườn rừng với kinh doanh dịch vụ máy xay xát. Phấn đấu có thêm “đồng ra đồng vào” cho con cái ăn học. 

Ở nơi bản làng xa xôi này thì việc thị trường ngoài kia tăng giá thịt lợn không ảnh hưởng nhiều đến bà con. Bởi hầu như nhà nào cũng nuôi một con lợn để ăn Tết. Vào dịp này cứ 3, 4 hộ chung nhau một con lợn để thịt. Người Dao thường gọi là “đụng thịt”, đây là tập tục thể hiện sự gắn bó, bền chặt trong tình làng nghĩa xóm. 

Trước đây, số hộ nghèo trong thôn chiếm đa số, nhưng những năm gần đây được cán bộ hướng dẫn phát triển mô hình kinh tế, cách trồng rừng “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”. Cả thôn có 75 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng rừng. Tiêu biểu như: Hộ anh Lý Văn Anh trồng gần 20 ha cây keo và 700 gốc cam, hộ anh Lý Văn Cường trồng 8 ha rừng và hơn 1.000 gốc cam... Nguồn thu nhập từ rừng mang lại cho nhiều hộ sự khấm khá. 

Cùng với phát triển kinh tế, bà con nơi đây luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Đặng Thị Mỳ là người cao tuổi trong bản, đang cùng cô con dâu chuẩn bị trang phục cho ngày Tết. Bà Mỳ chia sẻ: “Trước đây toàn bộ trang phục đều do bàn tay chúng tôi dệt, khâu, thêu. Bây giờ, áo quần, đai lưng, vòng,... đều được bán sẵn ở chợ, nhưng phụ nữ Dao trong bản vẫn biết khâu vá vì đó lá cái duyên của người con gái”. Bà chỉ tay vào bãi đất rộng trước nhà nói thêm, mùng 1, 2 đón Tết xong là bà con lại kéo ra đây để vui chơi, cùng nhau ném còn, nhảy bao bố rồi hát Páo dung... 

Bên cạnh đó, ngày Tết trong mỗi gia đình người Dao không thể thiếu món xôi ngũ sắc. Chúng tôi tạm biệt Thài Khao với lời hẹn sẽ trở lại để hòa vào không khí của những câu hát Páo dung da diết trong những ngày hội xuân sắp đến... 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục