Bước chuyển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản

Năm 2018, thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, kinh tế nông nghiệp hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

 


Rừng trồng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng Quốc tế (FSC) của người dân
                                               xã Tiến Bộ (Yên Sơn).                             Ảnh: Thủy châu

Năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 8.054 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 4,15% so với năm 2017; sản lượng lương thực ước đạt 34,47 tấn, đạt 102,8% kế hoạch; các loại cây trồng chủ lực được giữ vững. Tốc độ đàn gia súc, gia cầm tăng ổn định, đàn bò tăng 4,3%, đàn gia cầm 2,3%; sản lượng thủy sản ước đạt 7.543 tấn, tăng 4% so với năm 2017. Trồng rừng được 11.980,4 ha, đạt 103,6% kế hoạch, trong đó, trồng rừng tập trung được 11.599 ha, còn lại là rừng phân tán. Sản lượng gỗ khai thác đạt 814.000 m3, duy trì độ che phủ rừng trên 64%. Toàn tỉnh có 30/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 7 xã so với năm 2017.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện quy hoạch, cơ cấu lại các lĩnh vực bảo đảm chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đã có 22 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP được triển khai trên tất cả các đối tượng cây trồng. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung theo quy mô trang trại, gia trại. Năm 2018, đã có 57 trang trại được thành lập, nâng tổng số trang trại toàn tỉnh lên 739 trang trại. Diện tích mặt nước ao, hồ, sông, suối được khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản, một số sản phẩm thủy sản của tỉnh đã khẳng định được chất lượng trên thị trường, điển hình như sản phẩm cá lăng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, năm 2018 là năm đánh dấu bước chuyển của kinh tế lâm nghiệp, người dân không còn tư tưởng trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước, ngành chuyên môn mà đã liên kết thành lập hợp tác xã đứng ra tự thuê chuyên gia để làm rừng theo tiêu chuẩn rừng trồng quốc tế (FSC). Sự thay đổi tư duy làm rừng của người dân đã góp phần không nhỏ nâng diện tích rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC lên trên 19.700 ha; môi trường sản xuất được đảm bảo và gỗ rừng trồng của Tuyên Quang đã có “visa” để vào thị trường thế giới.

Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, sở đã hoàn thiện kế hoạch phát triển HTX, liên hiệp các HTX hoạt động hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các HTX chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, đã tiến hành củng cố, chuyển đổi hoạt động theo luật được trên 221 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản; sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động 5 công ty lâm nghiệp.

Ngành đã triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi huyện một đến hai sản phẩm, mỗi xã một sản phẩm chủ lực” gắn với xây dựng nông thôn mới. Đã có 37 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, trong đó đang hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên, 18 cơ sở có dán tem truy xuất nguồn gốc. Từ nay đến năm 2020, sở sẽ hỗ trợ và hoàn thiện chuẩn hóa 69 sản phẩm khác; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các mặt hàng cam sành Hàm Yên, miến dong Hợp Thành, mật ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang), chè Bát tiên Mỹ Bằng, chè xanh Làng Bát, bưởi Xuân Vân (Yên Sơn) đã từng bước chiếm lĩnh thị trường và có mặt ở hầu hết các siêu thị tại các thành phố lớn.


          Mô hình trồng rau, quả sạch trong nhà lưới của ông Nông Văn Nghiệp, xã Phù Lưu (Hàm Yên).                                                                                                                                         Ảnh: Thu Hằng

Thúc đẩy sản xuất, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; triển khai xây dựng 273 km kênh mương, bê tông hóa 108,5 km đường giao thông nội đồng, 163 nhà văn hóa thôn được xây dựng.

Năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục tham mưu với tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hàng hóa; đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục