Hàm Yên nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm chè.

Cùng với tập trung nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm cam sành, phát triển cây nguyên liệu giấy, thì cây chè vẫn được huyện Hàm Yên xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy nhiều năm qua huyện đã tập trung chỉ đạo quy hoạch phát triển vùng chè nguyên liệu nhằm tạo việc làm, nâng cao giá trị gia tăng, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Bà con thôn Làng Bát, xã Tân Thành thu hái chè.

Là cây chủ lực trên đất vườn đồi xã Tân Thành, chè đã đem lại giá trị kinh tế cao, mang tính văn hóa, xã hội sâu sắc, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần làm ổn định và phát triển kinh tế của địa phương.

Từ năm 2002, thôn Làng Bát đã đưa giống chè LDP1 vào trồng thí điểm 5ha. Những nông dân tham gia thực hiện mô hình này được tạo điều kiện về vốn, giống, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phương pháp đầu tư thâm canh và các phương pháp trong chế biến chè an toàn đảm bảo chất lượng khi cung cấp ra ngoài thị trường, cho đến nay toàn xã Tân Thành đã phát triển diện tích chè LDP1 lên trên 80 ha.

Đặc biệt, đầu năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh và các cơ quan chuyên môn của huyện Hàm Yên tổ chức triển khai thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, qua đó, các cơ quan chuyên môn đã và đang đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp chăm sóc hiệu quả, chú trọng chăm sóc, phát triển chè theo hướng hàng hóa đi đôi với việc tuân thủ các quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn.

Với việc thực hiện mô hình sản xuất chè sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã mở ra một quy trình sản xuất mới an toàn hiệu quả hơn.

Thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, huyện Hàm Yên đã rà soát, quy hoạch vùng sản xuất chè chất lượng cao ở 8 xã phía Nam của huyện, đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng tại các vùng chuyên canh chè để phục vụ tốt công tác thâm canh, sản xuất chè.

Đến nay toàn huyện đã phát triển được trên 2 nghìn ha chè; năng xuất bình quân đạt 84 tạ/ha, sản lượng trên 16 nghìn tấn. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây chè đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân, đặc biệt là góp phần vào phát triển ngành công nghiệp chế biến chè của tỉnh.

Mục tiêu của huyện Hàm Yên là tiếp tục quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè gắn với các cơ sở chế biến để đầu tư liên kết phát triển sản xuất giữa nông dân và nhà máy.

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết để phát triển sản xuất bền vững./.

PV

Tin cùng chuyên mục