Uber bị tố phạm luật, bí mật vận động các chính phủ

Tài liệu bị rò rỉ cho thấy Uber lách luật và vận động hành lang quan chức các nước như Biden và Macron vào giai đoạn mở rộng toàn cầu năm 2013 - 2017.

 

Guardian hôm 10/7 cho biết họ thu được hơn 124.000 tài liệu bị rò rỉ từ năm 2013 đến năm 2017, khi Uber, công ty đa quốc gia có trụ sở tại San Francisco, California, Mỹ, được điều hành bởi người đồng sáng lập Travis Kalanick. Dữ liệu gồm 83.000 email, tin nhắn iMessages và WhatsApp liên quan đến hoạt động của Uber tại 40 quốc gia, trong đó có các liên lạc thẳng thắn giữa Kalanick và nhóm giám đốc của ông.

Tài liệu cho thấy Kalanick đã cố gắng đưa dịch vụ gọi xe vào các thành phố trên khắp thế giới, bất chấp điều đó vi phạm luật và quy định về taxi. Trong thời gian hứng chịu phản ứng dữ dội trên toàn cầu, Uber đã cố tăng cường sự ủng hộ bằng cách bí mật thuyết phục các thủ tướng, tổng thống, tỷ phú, nhà tài phiệt và các ông trùm truyền thông.

Logo của Uber trên điện thoại thông minh bên cạnh biển hiệu taxi ở Frankfurt, Đức năm 2014. Ảnh: Reuters.
 

Logo của Uber trên điện thoại thông minh bên cạnh biển hiệu taxi ở Frankfurt, Đức năm 2014. Ảnh: Reuters.

Các tài liệu bị rò rỉ hé lộ phương pháp mà Uber đã sử dụng để đặt nền móng cho đế chế trị giá 43 tỷ USD. Từ Moskva đến Johannesburg, Uber đã trợ cấp rất nhiều cho các chuyến đi, thu hút tài xế và hành khách bằng các ưu đãi và mô hình định giá không bền vững.

Uber đã "nuốt" thị phần của taxi truyền thống, gây áp lực lên các chính phủ để họ sửa đổi luật, giúp mở đường cho mô hình làm việc dựa trên ứng dụng, nền kinh tế thuê nhân viên tạm thời hoặc bán thời gian.

Trong một nỗ lực để dập tắt phản ứng dữ dội và giành được những thay đổi có lợi đối với taxi và luật lao động, Uber đã lên kế hoạch chi 90 triệu USD vào năm 2016 cho hoạt động vận động hành lang và quan hệ công chúng.

Hồ sơ rò rỉ chứa các tin nhắn giữa Kalanick và Emmanuel Macron, người đã "bí mật giúp đỡ" công ty ở Pháp khi ông còn là bộ trưởng kinh tế, theo Guardian. Ông Macron đã cho phép Uber tiếp cận thường xuyên và trực tiếp với ông cùng nhân viên của mình.

Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz, khi đó là thị trưởng Hamburg, chống lại những người vận động hành lang của Uber và yêu cầu các tài xế được trả mức lương tối thiểu, một giám đốc Uber nói với các đồng nghiệp rằng ông Scholz là "thật sự là diễn viên hài".

Khi phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Joe Biden, người ủng hộ Uber vào thời điểm đó, đến muộn trong cuộc họp với công ty tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Kalanick nhắn tin cho một đồng nghiệp: "Tôi đã nhờ người nhắn với ông ấy rằng mỗi phút đến muộn là một phút ông ấy sẽ mất trong cuộc gặp với tôi".

 

Sau khi gặp Kalanick, Biden dường như đã sửa đổi bài phát biểu tại Davos để đề cập một CEO sở hữu công ty cho hàng triệu nhân viên "tự do làm việc bao nhiêu giờ tùy thích, quản lý cuộc sống của họ như họ muốn".

Ngoài cuộc gặp với ông Biden tại Davos, các giám đốc Uber đã gặp trực tiếp ông Macron, thủ tướng Ireland Enda Kenny, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và bộ trưởng tài chính Anh George Osborne. Một tài liệu miêu tả ông Osborne "ủng hộ mạnh mẽ".

Trong tuyên bố phản hồi Guardian, ông Osborne cho biết chính sách rõ ràng của London khi đó là gặp gỡ các công ty công nghệ toàn cầu và "thuyết phục họ đầu tư vào Anh, tạo việc làm tại đây".

Uber cũng tranh thủ sự ủng hộ của những người quyền lực ở Nga, Italy và Đức bằng cách cung cấp cho họ cổ phần tài chính giá trị trong công ty và biến họ thành "nhà đầu tư chiến lược". Công ty còn trả cho các học giả nổi tiếng hàng trăm nghìn USD để thực hiện những nghiên cứu ủng hộ các tuyên bố của công ty về lợi ích mô hình kinh tế của họ.

Mặc dù mạnh tay chi cho vận động hành lang, những nỗ lực của Uber mang lại kết quả trái chiều. Ở một số nơi, Uber thuyết phục thành công chính phủ sửa đổi luật, với hiệu quả lâu dài. Nhưng ở những nơi khác, công ty bị ngành taxi truyền thống "ngáng đường", bị các ứng dụng gọi xe địa phương lấn át hoặc bị chính trị gia cánh tả phản đối.

Khi bị phản đối, Uber tìm cách biến nó thành lợi thế, thúc đẩy lập luận rằng công nghệ của họ đang khiến hệ thống giao thông "lỗi thời" chao đảo, thúc giục các chính phủ cải cách luật.

Các email nội bộ cho thấy lãnh đạo và nhân viên công ty biết rằng Uber đã thực hiện các hoạt động trái quy định ở những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Pháp, Đức và Nga.

"Chúng ta không hợp pháp ở nhiều quốc gia, chúng ta nên tránh đưa ra những tuyên bố chống đối", một giám đốc viết trong email. Bình luận về các chiến thuật mà công ty đã chuẩn bị triển khai để né tránh các quy định, một giám đốc khác viết: "Chúng ta chính thức trở thành cướp biển".

Nairi Hourdajian, người đứng đầu bộ phận truyền thông toàn cầu của Uber, nói trong một tin nhắn gửi đồng nghiệp năm 2014: "Đôi khi chúng ta gặp vấn đề bởi chúng ta phạm pháp". Khi được Guardian liên hệ, Hourdajian từ chối bình luận.

Giới chức và các cơ quan quản lý ở nhiều nơi trên thế giới đã tìm cách kìm hãm Uber. Các văn phòng Uber tại hàng chục quốc gia liên tục bị giới chức kiểm tra đột xuất. Trong bối cảnh đó, Uber đã phát triển các phương pháp tinh vi để cản trở việc thực thi pháp luật. Khi một văn phòng Uber bị kiểm tra, các giám đốc của công ty gửi chỉ thị cho nhân viên công nghệ thông tin cắt quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu chính, ngăn cản giới chức thu thập bằng chứng.

Trong một tuyên bố phản hồi về vụ rò rỉ, Uber thừa nhận "những sai lầm", nhưng cho biết họ đã chuyển đổi từ năm 2017 dưới sự lãnh đạo của giám đốc điều hành hiện tại Dara Khosrowshahi.

"Chúng tôi chưa và sẽ không bào chữa cho những hành vi trong quá khứ, vốn rõ ràng là không phù hợp với giá trị hiện tại của chúng tôi", tuyên bố cho hay. "Thay vào đó, chúng tôi yêu cầu công chúng đánh giá chúng tôi bằng những gì chúng tôi đã làm 5 năm qua và sẽ làm những năm tới".

Trong khi đó, người phát ngôn của Kalanick cho biết các sáng kiến mở rộng của Uber "được dẫn dắt bởi hơn 100 lãnh đạo ở hàng chục quốc gia trên thế giới, luôn chịu sự giám sát trực tiếp và với sự chấp thuận đầy đủ của các nhóm pháp lý".

Guardian là bên dẫn đầu cuộc điều tra về các tài liệu bị rò rỉ của Uber và chia sẻ dữ liệu với các tổ chức truyền thông trên khắp thế giới thông qua Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Hơn 180 nhà báo tại 40 hãng truyền thông bao gồm Le Monde, Washington Post và BBC trong những ngày tới sẽ xuất bản loạt phóng sự điều tra về gã khổng lồ công nghệ này.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục