Người biểu tình Sri Lanka thử cuộc sống của tổng thống

Bơi lội, cắm trại hay chỉ đơn giản ngắm nhìn là cách người biểu tình đang trải nghiệm cuộc sống tại phủ tổng thống Sri Lanka.

 

Hàng nghìn người hôm 9/7 tràn vào dinh thự của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo yêu cầu ông từ chức trong bối cảnh đất nước đang chìm sâu vào khủng hoảng.

Họ tuyên bố sẽ chỉ rút lui khi tổng thống và thủ tướng từ chức. Nhiều người đã tận dụng quãng thời gian ít ỏi này để trải nghiệm cuộc sống xa hoa bên trong phủ tổng thống.

Người biểu tình bơi trong bể bơi của phủ tổng thống ngày 9/7. Ảnh: AFP.
 

Người biểu tình bơi trong bể bơi của phủ tổng thống ngày 9/7. Ảnh: AFP.

Tại công viên "Vườn Gordon" của dinh thự, các gia đình vừa cười đùa vừa cắm trại trong khi các nhà sư Phật giáo trầm trồ ngạc nhiên trước sàn nhà lát đá cẩm thạch và dàn máy lạnh trung tâm công suất cao.

Những hình ảnh trên mạng cho thấy vô số người thỏa sức vùng vẫy trong bể bơi của dinh thự.

Bên ngoài phủ tổng thống, lực lượng an ninh vẫn đứng canh gác nhưng không ai ngăn cản người dân ra vào.

 

Trong số những người tham quan dinh thự vào hôm qua có B.M. Chandrawathi, 61 tuổi. Bà đã trốn vào phòng ngủ ở tầng một với con gái và cháu của mình. "Tôi chưa thấy nơi nào như thế này trong đời", Chandrawathi nói khi ngồi trên chiếc ghế sofa sang trọng.

"Tôi muốn các con và cháu mình nhìn thấy lối sống xa hoa mà họ đang hưởng", bà nói.

Một người dân cầm trên tay những chiếc áo sơ mi của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bên trong dinh thự. Ảnh: Reuters.

Một người dân cầm trên tay những chiếc áo sơ mi của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bên trong dinh thự. Ảnh: Reuters.

Christopherka Gunatillaka, 46 tuổi, đã lái xe máy từ ngoại ô Colombo để đến thăm tòa nhà bề thế mà trước đây những người dân bình thường như anh không thể tiếp cận.

"Tôi đã dùng hết số xăng tiết kiệm được để thực hiện chuyến đi cùng vợ vì bạn sẽ không bao giờ có cơ hội lần nữa đến thăm dinh thự quan trọng nhất Sri Lanka như vậy", Gunatillaka nói.

Sri Lanka đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Đất nước thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới. Nhiều người đổ lỗi cho Rajapaksa quản lý kinh tế yếu kém và người dân đã biểu tình ôn hòa trong nhiều tháng để yêu cầu ông từ chức trước khi leo thang thành bạo loạn hôm 9/7.

Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục