Thanh niên xã Hùng Đức xung kích phát triển kinh tế

Đoàn thanh niên xã Hùng Đức (Hàm Yên) đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN phát huy sức trẻ, tinh thần xung kích thi đua phát triển kinh tế. Từ đó, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

 

Chị Trần Thị Loan, Bí thư Đoàn xã Hùng Đức cho biết, toàn xã hiện có trên 300 ĐVTN sinh hoạt ở 26 chi đoàn (22 chi đoàn thôn và 4 chi đoàn trường học). Thời gian qua, Đoàn xã luôn chú trọng tuyên truyền, vận động, khích lệ ĐVTN phát huy tinh thần xung kích phát triển kinh tế. Nổi bật là xây dựng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Hàng năm, Đoàn xã đều phối hợp giúp hàng chục ĐVTN tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp học nghề như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả, sửa chữa máy nông nghiệp…


Anh Đặng Văn Đường, thôn Xuân Đức, xã Hùng Đức (Hàm Yên)  mở xưởng sản xuất gỗ ván bóc, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương.   Ảnh: Trần Liên

Hùng Đức là xã vùng 135 nên đa số ĐVTN đều có nguyện vọng được vay vốn làm ăn. Đoàn xã đang quản lý hiệu quả 6 tổ tiết kiệm ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp trên 290 hộ ĐVTN vay, tổng dư nợ trên 9 tỷ đồng. Các ĐVTN đều sử dụng vốn đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá… Toàn xã hiện có 20 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi đạt trên 80 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như: Anh Hoàng Văn Thái, Chi đoàn thôn Uổm Tưởn với mô hình VAC-R; mô hình sản xuất chế biến gỗ của đoàn viên Vũ Văn Thuyết, Chi đoàn thôn Uổm Tưởn; mô hình sửa chữa máy nông cụ của đoàn viên Bàn Văn Sự, Chi đoàn thôn Làng Phan…

Là người năng động, dám nghĩ dám làm, anh Hoàng Văn Thái, Chi đoàn thôn Uổm Tưởn, xã Hùng Đức đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp trồng rừng, cây ăn quả, dược liệu và chăn nuôi cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Mô hình của anh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 4 lao động. Anh Thái cho biết, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài’, từ số vốn tự có và vốn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đã thuê thêm nhân công cải tạo vườn tạp, trồng rừng, cam Vinh, bưởi Diễn, trồng cây ba kích. Cùng với đó, anh đã cải tạo lại 6 sào ao nuôi các loại cá thịt, ốc nhồi. Tiếp đó, anh tận dụng các soi bãi trồng thêm cỏ voi là thức ăn cho bò, có thời điểm anh nuôi đến 10 con bò. Qua gần 5 năm xây dựng mô hình, anh Thái đã có 4 ha rừng, trên 1.300 cây ăn quả các loại, 400 gốc ba kích sắp được thu hoạch… 

Nhận thấy lợi thế địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn gần 3.800 ha, nên sau khi học xong cấp 3, anh Đặng Văn Đường, đoàn viên Chi đoàn thôn Xuân Đức, xã Hùng Đức đã cùng hai anh trai là Đặng Văn Hội, Đặng Văn Nghị đầu tư mở xưởng sản xuất gỗ ván bóc ngay tại nhà. Anh Đường chia sẻ, thực tế thời buổi kinh tế thị trường nếu mình không mạnh dạn làm sẽ dễ bỏ lỡ cơ hội. Nghĩ là làm, anh Đường đã cùng hai anh trai tích cóp được ít tiền, rồi mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư dây chuyền chế biến ván bóc hơn 1 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày xưởng ván bóc của 3 anh em Đặng Văn Đường sản xuất trên 10 m3/ngày. Sản phẩm gỗ bóc được các doanh nghiệp thu mua phục vụ thị trường và xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương, mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, cơ sở sản xuất của 3 anh em thu lãi trên 400 triệu đồng/năm.

Các mô hình kinh tế của ĐVTN xã Hùng Đức bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm và đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục